Người dân sẽ mua vàng trực tiếp từ Big 4 ngân hàng và giá được công khai trên website

Từ ngày 3/6, NHNN sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV. Đây là nhóm ngân hàng có mạng lưới rộng khắp và sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu. Mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng vừa có thông tin về kế hoạch điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng sau khi dừng đấu thầu.

Theo đó, từ ngày 3/6, NHNN sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV. Đây là nhóm ngân hàng có mạng lưới rộng khắp và sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu. Mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới.

pho-thong-doc-pham-quang-dung-1716971905.png
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng khẳng định với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường

NHNN đã yêu cầu 4 ngân hàng này công khai giá bán vàng trên website và chỉ bán trực tiếp cho người dân, không bán cho các tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đồng thời, phải báo cáo hàng ngày về lượng vàng đã bán ra, lượng vàng tồn kho, giá bán; cử cán bộ tham gia Tổ điều hành can thiệp thị trường của NHNN nhằm thống nhất việc phối hợp can thiệp thị trường vàng; thực hiện chế độ hóa đơn điện tử…

NHNN khẳng định, với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, cơ quan này có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp bền vững. Do đó, người dân cần thận trọng khi giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro trước những diễn biến phức tạp của giá vàng hiện nay.

“Song song với các biện pháp của mình, chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Đặc biệt, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có)”, ông Dũng cho biết thêm.

Trước đó, trong giai đoạn từ 22/4-23/5, NHNN đã tổ chức tổng cộng 9 phiêu đấu thầu vàng, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương 1,8 tấn ra thị trường. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Thậm chí, giá vàng trong nước còn có xu hướng tăng cao hơn. Tính đến phiên giao dịch ngày 29/5, giá vàng vẫn neo ở mức cao, tiến sát ngưỡng 91 triệu đồng/lượng chiều bán giá. Trong khi đó, giá vàng thế giới ở mức 2.358 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên trước đó, tương đương khoảng 72,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, khoảng cách vàng trong nước và thế giới là gần 19 triệu đồng/lượng. 

big-4-1716972039.jpg
Big 4 ngành ngân hàng sẽ bán vàng trực tiếp đến tay người dân từ 3/6

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng lý giải, mức chênh lệch trên 20% giữa vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới như hiện nay cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung cầu, không loại trừ có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây bất ổn thị trường vàng.

Nêu quan điểm về các biện pháp của NHNN, ông Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, việc NHNN thông báo dừng đấu thầu vàng miếng SJC là giải pháp đúng đắn. Bởi lẽ, mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng từ những phiên đấu thầu trước đó đã hoàn toàn thất bại. Đây chỉ là biện pháp tình thế để giải quyết được câu chuyện vàng miếng, chứ không giải quyết được câu chuyện căn cơ là nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nữ trang của doanh nghiệp.

Do vậy, hầu hết ý kiến các chuyên gia đều nhận định, để hạ nhiệt giá vàng trong nước, vẫn cần cho phép được nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới sự quản lý của NHNN. Các chuyên gia cho rằng, có 2 phương án mà NHNN có thể áp dụng: một là cấp hạn mức cho doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng, hai là NHNN nhập vàng nguyên liệu và bán cho doanh nghiệp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, giải pháp căn cơ là phải sớm sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động thị trường vàng. Theo đó, Nhà nước xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, xóa độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng miếng. Bên cạnh đó, cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vàng để góp phần bình ổn thị trường.