Người dân TP.HCM bất an vì thủ tục tính giá đất kéo dài

Về vấn đề thực hiện thủ tục đất đai, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, cơ quan này vẫn đang phối hợp với các sở ngành để tham mưu UBND Thành phố, báo cáo các cơ quan trung ương cho ý kiến xử lý.

Không chỉ những người chuyển đổi mục đích sử dụng đất, những giao dịch mua bán, chuyển nhượng tại TP.HCM thời gian này cũng đang hoang mang khi chỉ được nộp hồ sơ, chứ cơ quan thuế không đảm bảo được thời gian giải quyết.

Người dân lo lắng vì sự ách tắc 

Chị Minh Thy (huyện Bình Chánh) cho biết, đã đặt cọc mua một căn hộ tại một dự án trên địa bàn với một phần vốn tự có và một phần vay ngân hàng, thế chấp bằng chính căn hộ đã mua. Tuy nhiên, những ngày gần đây chị khá lo lắng vì nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc không đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính, do TP.HCM chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh.

Cũng theo chị Thy, nếu các thủ tục chậm giải quyết thì việc vay vốn của chị cũng “tắc” bởi  phải hoàn tất thủ tục chuyển nhượng ngân hàng mới giải ngân, trong khi người bán nhà cũng đang cần tiền trả nợ ngân hàng.

tphcm-1723283004.webp
Nhiều người bán nhà cũng đang "tắc" thủ tục thuế do chờ chỉ đạo về giá

Tương tự, anh Ngọc Thành (TP Thủ Đức) cũng cho biết, đã ký hợp đồng bán căn hộ giá hơn 3 tỉ đồng tại chung cư Him Lam Phú An. Các thủ tục mua bán đã hoàn tất, hai bên đã công chứng sang tên, và tiến hành nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức từ tuần trước.

Tuy nhiên, hôm 8/8, anh Thành nhận được thông báo từ cơ quan thuế về việc tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa xác định thời gian trả kết quả giải quyết hồ sơ, do Chi cục thuế đang chờ hướng dẫn theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Anh Thành cho biết, bán nhà để trả nợ ngân hàng, người mua cũng phải vay ngân hàng và dùng chính căn nhà mua của anh để thế chấp. Ngân hàng vẫn giải ngân cho vay nhưng số tiền sẽ bị phong tỏa cho đến khi hồ sơ hoàn chỉnh mới mở cho người bán nhận tiền. Sự chậm trễ này khiến người bán thì không thể tất toán nợ, người mua thì lo phát sinh tranh chấp, gây ra nhiều sự phiền phức.

Tại Chi cục thuế quận Gò Vấp, các vấn đề liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với mua bán, chuyển nhượng, cho tặng nhà đất, tài sản gắn liền trên đất…cũng đều có thông báo không đảm bảo thời gian ghi trên lịch hẹn trả kết quả đối với hồ sơ nộp từ 1/8. Cũng cùng lý do chờ UBND TP.HCM ban hành bảng giá đất điều chỉnh.

Nói về tình trạng này, ông Đào Quang Dương - Phó trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (TN&MT) cho biết, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất áp dụng theo bảng giá nào đang là vướng của nhiều tỉnh thành chứ không riêng TP.HCM. Sở TN&MT đang cùng các sở, ngành có ý kiến trình UBND thành phố báo cáo trung ương xin ý kiến.

Ông Dương cho biết thêm, thông tin từ 22 chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận huyện, các hoạt động về đăng ký đất đai vẫn bình thường trong các ngày qua. Với những hồ sơ chuyển nhượng mục đích sử dụng đất nếu đáp ứng quy hoạch thì vẫn thực hiện theo quy định.

Cần áp dụng bảng giá đất hiện hành

Việc điều chỉnh bảng giá đất mới tại TP.HCM đã tạo ra một làn sóng xôn xao trong dư luận, càng “nóng hơn” khi các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng của người dân bị tắc ở khâu tính tiền thuế do chờ hướng dẫn mới.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhìn nhận, việc không hẹn ngày trả kết quả tính tiền sử dụng đất khiến nhiều người dân lo ngại. Bởi nếu áp dụng dự thảo bảng giá đất mới sẽ khiến số tiền sử dụng đất phải đóng cao gấp nhiều lần, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Do đó, HoREA đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích luật đối với nội dung tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 để các địa phương thống nhất cách hiểu, dễ thực thi, giúp người dân yên tâm, có thêm thời gian một năm rưỡi để chuẩn bị tài chính cũng như thực hiện xin cấp sổ đỏ và sổ hồng.

tinh-gia-dat-1723283072.webp
HoREA cũng đã có đề xuất về việc TP. HCM nên "tạm hoãn" việc ban hành dự thảo bảng giá đất mới

Trước đó, HoREA cũng đã có đề xuất về việc TP. HCM nên "tạm hoãn" việc ban hành dự thảo bảng giá đất mới ở thời điểm hiện tại, nên tiếp tục áp dụng cách tính giá đất hiện hành và hệ số điều chỉnh trong giai đoạn này để người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và nộp tiền sử dụng đất, nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho họ.

Theo lãnh đạo của một văn phòng công chứng tại TP Thủ Đức, ách tắc xảy ra là do việc tính nghĩa vụ tài chính theo Luật Đất đai 2024 có một số thay đổi so với cách tính cũ. Nếu như trước đây, một số trường hợp khi tính nghĩa vụ tài chính, ngoài áp dụng giá trong bảng giá đất còn nhân với hệ số điều chỉnh (hệ số K) thì cách tính mới đã bỏ hệ số K.

Mặc dù Luật Đất đai 2024 cho phép các địa phương được tiếp tục sử dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31/12/2025, nhưng bảng giá này trước đây bị khống chế bởi khung giá đất nên giá đưa ra thấp, chỉ bằng khoảng 30% giá thị trường. Nếu vẫn lấy bảng giá đất này nhưng không nhân hệ số K theo cách tính mới sẽ khiến số tiền thuế thấp hơn rất nhiều, có thể khiến cơ quan thuế lo ngại bị quy làm thất thoát ngân sách.