Người dùng bị tác động như thế nào sau khi Mỹ kiện Apple?

Vừa qua, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã khởi kiện Apple về hành vi độc quyền bất hợp pháp trên thị trường điện thoại thông minh. Vụ kiện này có thể ảnh hưởng tới toàn bộ sản phẩm và dịch vụ của Apple.

Chính sách App Store có nhiều thay đổi

Giờ đây, người dùng iPhone sẽ được truy cập nhiều hơn vào các siêu ứng dụng vốn bị hạn chế trước đây như ứng dụng cho phép nhắn tin, đặt đồ ăn, xử lý thanh toán cùng nhiều tính năng khác trong cùng một nền tảng.

apple-1712291019.webp
Người dùng iPhone sẽ được truy cập nhiều hơn vào các siêu ứng dụng vốn bị hạn chế trước đây

Nhà phân tích chính tại công ty nghiên cứu thị trường Forrester – ông Dipanjan Chatterjee cho rằng các siêu ứng dụng đe dọa đáng kể đến khả năng ưu việt của Apple trong việc phục vụ khách hàng. Điển hình như WeChat có thể cung cấp giải pháp thay thế hệ sinh thái Apple gồm trò chuyện, giao dịch ngân hàng…

Gia tăng khả năng tương tác

Rất có thể Apple sẽ được yêu cầu chú trọng cải thiện tính năng nhắn tin đa nền tảng, đây cũng là vấn đề mà trước đây hãng này khẳng định đang tìm cách giải quyết. Apple cho phép người dùng iPhone gửi ảnh và video chất lượng cao cho nhau. Tuy nhiên, các nội dung tương tự gửi đến điện thoại Android thì chậm hơn và chất lượng hiển thị cũng bị giảm. Các chuyên gia cho rằng, Apple duy trì hộp thoại “bong bóng” màu xanh lá cây thay vì màu xanh dương, điều này tạo ra tâm lý phân chia giai cấp khi nhắn tin tới thiết bị iOS và Android.

Tháng 11/2023, Apple cho biết đang bổ sung một số tính năng mới gồm thông báo đang nhập tin nhắn, thông báo đã đọc, hỗ trợ tốt hơn các cuộc trò chuyện nhóm cũng như cải thiện chất lượng khi chia sẻ video và hình ảnh. Thay đổi này của Apple được cho nhằm thúc đẩy tiêu chuẩn RCS – dịch vụ truyền thông đa phương tiện dự định triển khai vào cuối năm 2024. Được biết, RCS là phiên bản thay thế hoàn hảo cho ứng dụng SMS, dịch vụ nhắn tin ngắn hoạt động trên cả dữ liệu di động và Wi-Fi.

Những thay đổi của Apple diễn ra dưới áp lực từ các cơ quan quản lý và các đối thủ cạnh tranh. Điển hình, đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu yêu cầu các công ty mở rộng khả năng tương tác giữa dịch vụ riêng với đa dạng nền tảng. Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ cũng có đề xuất tương tự.

Các dịch vụ mở được hỗ trợ nhiều hơn

Apple sẽ cố gắng mở rộng khả năng tương thích của nhiều thiết bị và phần mềm. Thay đổi này sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Bởi lẽ, kết quả cuối cùng giúp người dùng có nhiều lựa chọn với giá thành hấp dẫn hơn nhưng đồng nghĩa với việc sẽ giảm bớt trải nghiệm liền mạch của khách hàng.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng đề cập tới việc Apple thiếu hỗ trợ các dịch vụ đám mây. Khi mở rộng kết nối, người dùng có thể truy cập nhiều trò chơi và ứng dụng trên đám mây mà không phải trả nhiều chi phí.

211215-apple-store-mn-1515-bc4-8397-8557-1711072016-1712291111.png
Apple được đánh giá là rất chú trọng tới trải nghiệm người dùng

Không thể phủ nhận, Apple rất chú trọng tới trải nghiệm người dùng, công ty này kiểm soát chặt chẽ quy trình trên toàn bộ sản phẩm của hãng. Năm 1984, chiếc máy tính Mac đầu tiên ra mắt công chúng và gây ấn tượng mạnh với câu lệnh “xin chào” khi khởi động thiết bị. Đây cũng được coi là câu thần chú hết sức thân thiện và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng bất kỳ thay đổi nào của Apple đều tác động tiêu cực đến trải nghiệm người dùng. Trong đơn kiện của DOJ, Apple bị cáo buộc có hành vi vi phạm cạnh tranh công bằng bất hợp pháp. Điều này khiến khách hàng bị ràng buộc vào sản phẩm của Apple, đồng thời ngăn cản sự gia nhập từ các công ty khác.

Giám đốc Nghiên cứu tại ABI Research – ông David McQueen chia sẻ rằng thị trường nội dung và ứng dụng nên hoạt động cởi mở. Đồng thời, Apple cần tránh tình trạng độc quyền bởi điều này hạn chế cạnh tranh công bằng, đẩy giá lên cao và kìm hãm sự đổi mới. Tuy nhiên, thành công của Apple cũng có sự đóng góp của chiến lược giữ cho các sản phẩm, dịch vụ trở nên trực quan và liền mạch.