Người Việt có tuổi thọ cao nhưng những năm cuối đời sống không khỏe mạnh

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 73,7 tuổi. Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh của người Việt tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm, như vậy có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật.

Sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội đã có phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến tỷ lệ sinh, già hóa dân số đã được các đại biểu đưa ra bàn luận.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nêu, hiện nay tình trạng chênh lệch chỉ số tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng của nước ta chưa được cải thiện nhiều. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

dan-so-gia-1-1717046159.jpg
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình (Ảnh: VTV)

Năm 2019, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Nhưng từ năm 2036, Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Cùng với già hóa dân số, tuổi thọ của người Việt cũng tăng. Năm 2023, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 73,7 tuổi. Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh của người Việt tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm, như vậy có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật. Nhất là sau đại dịch Covid-19, những biến đổi về cơ cấu bệnh tật đã diễn ra. Những điều này tạo áp lực lớn cho hệ thống y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế. Thế nhưng, đến nay chưa có giải pháp hiệu quả ứng phó.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng mức sinh chưa thật sự bền vững, còn chênh lệch giữa các vùng và chưa có giải pháp phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, cũng như thích ứng già hóa dân số... Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như đầu tư cho dân số cắt giảm mạnh trong khi nhiệm vụ nhiều hơn so với trước, chế độ cho đội ngũ dân số còn chưa thỏa đáng…

dan-so-gia-1717046159.jpg
Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 73,7 tuổi

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, cần khuyến khích tỷ lệ sinh bằng cách tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản, giảm thiểu phân biệt đối xử về giới, hỗ trợ chăm sóc trẻ em… Bên cạnh đó cần cải thiện hệ thống y tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực và phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân ở mọi lứa tuổi…

Mục tiêu của ngành y tế không chỉ là trị bệnh cứu người mà còn nâng cao sức khỏe cả về thể chất, tinh thần, tuổi thọ, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Phải bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, đồng thời đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, phân bố, cơ cấu và chất lượng dân số. Ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ dân số.

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị, Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sỹ, y khoa trên cơ sở học phí với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước. Như vậy, vừa đảm bảo sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sỹ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng thiếu bác sỹ, vùng sâu, vùng xa.