Nguồn cung khách sạn 3 sao dần biến mất khỏi thị trường Hà Nội

Trong khi nguồn cung khách sạn 4 đến 5 sao đang ngày càng dồi dào với việc chào đón các dự án mới, thì các dự án khách sạn 3 sao tại Hà Nội ngày càng ít đi.

Theo báo cáo thị trường khách sạn của Savills Việt Nam, nguồn cung của phân khúc khách sạn hạng 4 và 5 sao đang phát triển mạnh mẽ, trong khi đó nguồn cung khách sạn 3 sao dường như dần biến mất khỏi thị trường.

Trong quý I/2024, nguồn cung khách sạn ghi nhận 67 dự án với 11.120 phòng, giảm 1% theo quý. Tuy nhiên, với việc có 2 dự án khách sạn được cấp hạng 4 sao và 4 dự án được cấp hạng 5 sao trong 2023, nguồn cung lại ghi nhận mức tăng 8% theo năm.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ, phân khúc khách sạn đang có xu hướng dịch chuyển dần sang hạng 4 đến 5 sao. Thị trường ghi nhận sự thanh lọc với những nguồn cung kém chất lượng.

Trong năm qua, nhiều khách sạn 5 sao ở Thủ đô mở cửa trở lại như Movenpick, Hilton và Fusion. Ngoài ra, còn có một số dự án 5 sao đáng chú ý khác bao gồm: L7 Westlake, Dusit Từ Hoa Palace, The Ritz Cartlon, Four Seasons, Waldorf Astoria Hanoi và Fairmont.

Chuyên gia này đánh giá, việc phát triển của các phân khúc 4 đến 5 sao phản ánh xu hướng khách hàng có nhu cầu ngày càng nhiều đối với trải nghiệm lưu trú cao cấp và đầy đủ tiện ích. Dự kiến, 9 dự án 5 sao sẽ chiếm 76% thị phần nguồn cung tương lai và các dự án 4 sao sẽ chiếm 24%. Đáng chú ý, không có dự án 3 sao đi vào hoạt động tại Hà Nội trong vòng ba năm tới.

Trước đó, ông Matthew Powell cũng cho biết, căn hộ dịch vụ ghi nhận tình hình hoạt động ổn định trong năm 2023. Trong đó, nguồn cung FDI (vốn từ nước ngoài) từ các dự án lớn và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ tác động tích cực đến nguồn cầu phân khúc này trong tương lai.

Căn hộ dịch vụ sẽ có thêm 3.821 căn. Năm nay, hai dự án dự kiến đi vào hoạt động gồm Parkroyal Serviced Suites Hà Nội và Fusin Suites. Hồ Tây sẽ chiếm 63% nguồn cung tương lai với 2.423 căn. Khu vực này phổ biến khách nước ngoài nhờ vào các tiện ích ăn uống, giải trí, trường học bệnh viện và công viên.

Trong 3 tháng đầu năm nay, hoạt động của ngành khách sạn Thủ đô đang khởi sắc đáng kể nhờ chuyển biến tích cực từ ngành du lịch. Báo cáo Kinh tế - Xã hội quý đầu năm nay của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 tới nay, Hà Nội – thành phố trọng điểm về du lịch lữ hành đã đón 6,5 triệu lượt khách, tăng 11% theo năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt; khách nội địa đạt 5,1 triệu. Sự gia tăng về lượt khách đã mở ra cơ hội lớn cho ngành khách sạn và thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

ks-1714210327.webp
Ngành khách sạn khởi sắc nhờ chuyển biến tích từ ngành du lịch.

Ông Matthew Powel đánh giá, ngành du lịch ghi nhận mức phục hồi khá tốt trong thời gian qua. Hoạt động của các khách sạn tại thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã về gần mức trước dịch Covid. Trong đó, du lịch nội địa, bao gồm cả giải trí và công tác đã đóng góp rất lớn.

khsan-1714210357.jpeg
Khách sạn 3 sao đang dần biến mất khỏi thị trường Hà Nội

Về nguồn khách du lịch quốc tế tới Thủ đô, thị trường ghi nhận 4,6 triệu lượt. Dẫn đầu là lượng khách Hàn Quốc với 1,2 triệu khách, sau đó là Trung Quốc với 890.000 lượt. Ngoài ra, thị trường có sự đa dạng hơn về nguồn khách quốc tế, bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Úc, Thái Lan, Campuchia và Mỹ, Ấn Độ.

Với những tiềm năng tuyệt vời như cảnh quan thiên nhiên, từ thành phố đến núi non, từ biển xanh cát trắng đến những khu rừng nguyên sinh sống động đi kèm với giá trị văn hóa và nền ẩm thực hấp dẫn… du lịch nước ta đã có sự phục hồi đáng kể. Đồng thời, Việt Nam đang thu hút các chuỗi khách sạn hạng sang, từ đó tạo thêm dư địa cho tiềm năng phục hồi và phát triển của ngành du lịch nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.