Nguy cơ biến đổi khí hậu từ các cuộc chạy đua AI

Mới đây, báo cáo phát triển bền vững của Microsoft đã đề cập đến những cam kết về khí hậu khi chuyển trọng tâm sang AI của các công ty công nghệ lớn.

Đào tạo và vận hành các mô hình AI sẽ tốn rất nhiều năng lượng và tiềm ẩn sau đó là một vấn đề nghiêm trọng về môi trường và biến đổi khí hậu. Chính cuộc đua xây dựng các công cụ tìm kiếm hiệu suất cao, được hỗ trợ bởi AI sẽ đòi hỏi nâng cấp tương tự về sức mạnh tính toán. Vì vậy, sẽ có sự gia tăng lớn về lượng năng lượng cần thiết để vận hành những cỗ máy và lượng carbon thải ra.

Cách đây 4 năm, Microsoft đặt mục tiêu sẽ đạt mức âm carbon vào cuối thập kỷ này. Theo đó, hãng cam kết cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải nhà kính và sau đó thu giữ lượng khí thải caron dioxide lớn hơn từ mức sẽ tạo ra. Đồng thời, Microsoft sẽ phải thúc đẩy việc triển khai nhiều năng lượng tái tạo hơn vào lưới điện nơi công ty này hoạt động.

2024winter-sundberg-1290x860-1716695239.jpg
Giảm khí thải carbon là mục tiêu hết sức khó khăn của các công ty công nghệ

Vào thời điểm đó, đây là một cam kết táo bạo bởi các công nghệ thu giữ carbon hầu như chưa tồn tại.

The Verge cho rằng, Microsoft đã đi sai hướng. Bởi lẽ, trong năm tài chính vừa qua, tập đoàn công nghệ này đã thải ra 15,357 triệu tấn carbon dioxide, con số tương đương với tình trạng ô nhiễm carbon hàng năm ở cả nước Haiti hoặc Brunei.

Bên cạnh Microsoft, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) và nhà sản xuất chip bộ nhớ hàng đầu thế giới - Samsung Electronics cũng đang chật vật với mục tiêu giảm khí thải carbon.

Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết, sự chậm chạp của Đài Loan (Trung Quốc) trong việc phát triển năng lượng tái tạo đang cản trở công ty đạt được các mục tiêu về môi trường.

Trong khi đó, Samsung tiết lộ, Hàn Quốc là một trong những quốc gia gặp nhiều thách thức nhất trên thế giới về năng lượng tái tạo và trích dẫn quan điểm tương tự từ các thành viên RE100 - sáng kiến năng lượng tái tạo dành cho các tập đoàn trên toàn cầu.

Thông tin từ Nikkei Asia cho thấy, nguồn năng lượng tái tạo hạn chế có thể khiến chip sản xuất ở Châu Á kém thân thiện với môi trường hơn so với Mỹ và Châu Âu. Đây cũng chính là điểm khiến các khách hàng ngày càng lo ngại.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: Hiện tại, các trung tâm dữ liệu chiếm khoảng 1% lượng khí thải nhà kính của thế giới. Và, cuộc đua AI gần như sẽ làm tăng nhu cầu về điện toán đám mây mặc dù trước đó các công cụ tìm kiếm đã hứa sẽ giảm đóng góp vào tình trạng ấm lên toàn cầu.

Hầu hết các chatbot AI đều dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có nhiệm vụ phân tích cú pháp và xử lý tính toán các liên kết trong khối lượng dữ liệu khổng lồ. Đây là lý do các chatbot thường có xu hướng được phát triển bởi các công ty có nguồn lực lớn.

Một nhà khoa học máy tính tại Đại học Coruna, Tây Ban Nha - Carlos Gomez -Rodriguez lý giải: Vì khâu huấn luyện cho những mô hình LLM cần một lượng điện năng khổng lồ nên chỉ có các công ty thuộc nhóm Big Tech mới đủ khả năng làm được.

Các “ông lớn” là Google và OpenAI đều không tiết lộ chi phí cụ thể để vận hành các sản phẩm AI. Theo ước tính qua phân tích từ bên thứ ba thì việc huấn luyện cho mô hình GPT-3 sẽ tiêu thụ khoảng 1.287 MWh và dẫn đến lượng khí thải tương đương hơn 550 tấn CO2. Nếu tiến hành so sánh thì con số khí thải này tương đương với một người đi 550 chuyến bay khứ hồi giữa New York và San Francisco.

ai-model-1716695404.jpg
Sự đối lập giữa lượng khí thải carbon khi đào tạo mô hình AI và tuổi thọ trung bình của con người

Dự kiến đến năn 2040, lượng khí thải từ toàn ngành công nghệ sẽ đạt 14% lượng khí thải toàn cầu. Trong đó chủ yếu đến từ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trung tâm dữ liệu mạng và truyền thông.

Khi các bộ dữ liệu và mô hình ngày càng trở nên phức tạp thì năng lượng cần thiết để đào tạo và vận hành các mô hình AI cũng sẽ theo đó trở nên khổng lồ. Vì vậy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát khí thải nhà kính và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.