Nhà đầu tư đến rồi đi, dự án cải tạo bờ nam kênh Đôi TP. HCM vẫn chưa được định đoạt "số phận"

Nhận được nhiều quan tâm từ năm 2016 nhưng đến nay dự án bờ nam kênh Đôi (Q.8, TP. HCM) vẫn chưa thể thực hiện. Điều này đã khiến cho những người dân sống ven kênh rơi vào tình cảnh hy vọng rồi thất vọng.

Nhà đầu tư đến lại đi

Dự án bờ nam kênh Đôi thuộc địa bàn Q.8, TP. HCM đã được nhà đầu tư quan tâm từ năm 2016 nhưng do nhiều nguyên nhân, dự án vẫn bị bỏ ngỏ.

Trước đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thông qua Chương trình đột phá thứ 7 về “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Trong đó có việc thực hiện các dự án chỉnh trang, di dời nhà ven kênh trên địa bàn Q. 8.

kenh-doi-1-1714710564.jpg
Kênh Đôi dài 8,5km chảy hoàn toàn trong địa phận Q.8 (Ảnh Quang Định)

Năm 2016, dự án bờ nam kênh Đôi đã được Công ty CP Đầu tư hạ tầng và Nhà ở Sài Gòn để mắt tới. Dự án có mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 9.200 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức PPP.

Thời điểm đó, trong báo cáo thực hiện dự án, Công ty Nhà ở Sài Gòn nêu rõ, chủ trương thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân trên kênh, ven kênh đã được Q.8 quyết tâm thực hiện. Do đó việc di dời hộ dân ở khu vực bờ nam kênh Đôi là hết sức cấp thiết.

Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ hoàn thành mục tiêu di dời và giải tỏa 4.392 căn nhà tại khu vực bờ nam kênh Đôi, giai đoạn từ quý 4/2016 đến 2019. Khi việc di dời, giải tỏa hoàn tất sẽ thực hiện chỉnh trang khu vực.

kenh-doi-4-1714710690.jpg
Hai bên bờ kênh có hàng nghìn hộ dân sinh sống (Ảnh Quỳnh Trần)

Nhằm triển khai thực hiện dự án chỉnh trang đô thị bờ nam kênh Đôi, năm 2017, UBND TP. HCM đã chấp thuận để một tập đoàn khác nghiên cứu điều chỉnh cục bộ 8 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu dân cư của 7 phường (từ phường 1 - phường 7). Bên cạnh đó, TP. HCM cũng yêu cầu tập đoàn này ước tính lưu lượng giao thông, tỷ lệ các phương tiện giao thông trong tương lai của tuyến đường dọc kênh Đôi và đường Phạm Thế Hiển. Đồng thời đề xuất thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan dọc kênh Đôi và quy hoạch tuyến giao thông đường thủy.

Nhiều năm sau, việc đầu tư vẫn chưa có tiến triển, các nhà đầu tư cũng không còn mặn mà tới dự án bởi nhiều lý do. Được biết, Q.8 không thực hiện được dự án nào về chỉnh trang kênh rạch giai đoạn 2016 – 2020. Bờ nam kênh Đôi còn từng được UBND Q.8 kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cũng có vài nhà đầu tư tìm hiểu nhưng không thực hiện được. Mặc dù Q. 8 nhiều lần đề xuất, kiến nghị xin cơ chế hỗ trợ từ thành phố nhưng dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

kenh-doi-3-1714710814.jpg
Có không ít nhà đầu tư quan tâm tới dự án nhưng chỉ sau thời gian nghiên cứu, tất cả đều rút lui (Ảnh Kiên Cường)

Theo tìm hiểu, kênh Đôi là kênh đào dài 8,5km, chảy hoàn toàn trong địa phận Q.8. Con kênh này nối từ ngã tư giao với kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ, kênh Bến Nghé đến ngã ba giao với kênh Lò Gốm, sông Bến Lức.

Năm 1910, kênh Đôi được người Pháp cho đào và hoàn thiện năm 1919. Hiện nay, con kênh này sâu 20m, rộng 50m, có thể lưu thông nhiều tàu bè lớn. Trên kênh có các cây cầu bắc qua là cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chánh Hưng.

Nhiều năm qua, có hàng nghìn ngôi nhà sống trên và ven hai bên bờ nam – bắc của kênh Đôi. Những ngôi nhà này nằm chen chúc, tạm bợ, lụp xụp tạo nên cảnh tượng nhếch nhác.

Tháng 12/2023, dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi dài 4,3km, mức đầu tư 5.000 tỷ đồng đã được HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư. Dự kiến sẽ khởi công năm 2025, hoàn thành sau 3 năm.

kenh-doi-2-1714711001.jpg
Đa số các căn nhà ven các kênh rạch đều tạm bợ, thiếu tiện nghi cơ bản. Đáng nói là nhiều hộ không có nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt, rác xả trực tiếp xuống kênh rạch (Ảnh: Anh Tú - Ngọc Ánh, Lao động)

Trong khi bờ bắc kênh Đôi đang được nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án vào tháng 12/2024 thì bờ nam kênh Đôi vẫn chưa được định đoạt "số phận".

Vì sao nhà đầu tư rút lui khỏi dự án?

Lý giải về việc các nhà đầu tư lần lượt rút lui khỏi dự án, UBND Q.8 cho hay, sau thời gian tìm hiểu, khảo sát và tính toán, các doanh nghiệp nhận thấy tính khả thi của dự án không cao, nhất là những khó khăn trong việc khai thác quỹ đất hai bên bờ kênh.

Trước đây, dự án được dự kiến triển khai theo hình thức PPP, tức là thanh toán bằng quỹ đất. Nhưng giờ đây cơ chế này không còn được cho phép. Thêm vào đó, các dự án di dời nhà ven, trên kênh rạch cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa.

Phó Chủ tịch UBND Q.8 – ông Phạm Quang Tú cho hay, trước đó Công ty Nhà ở Sài Gòn đưa ra khó khăn là do dự án chưa có chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia trong công tác di dời, bố trí nhà ở cho các hộ dân sống trên kênh, ven kênh.

kenh-doi-2-1714711076.jpg
Tới hết 2025, dự án bờ nam kênh Đôi vẫn không có tên trong danh mục dự án thực hiện hay cần xin chủ trương đầu tư (Ảnh: Anh Tú - Ngọc Ánh, Lao động)

Doanh nghiệp này đề xuất cần có chính sách ưu đãi về tiếp cận nguồn vốn vay, nhà đầu tư được dành quỹ nhà, đất để kinh doanh thu hồi vốn hoặc TP. HCM thực hiện thanh toán hoàn vốn cho nhà đầu tư bằng quỹ đất sau khi di dời hoặc quỹ đất ở nơi khác.

Để giải quyết khó khăn, UBND Q.8 đã kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức phân kỳ, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 dùng ngân sách thành phố, giai đoạn 2 kêu gọi vốn nhà đầu tư.

Được biết UBND TP. HCM đã lập tổ công tác nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo môi trường bờ nam kênh Đôi. Hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu các hướng khả thi, dự kiến hơn 5.000 căn nhà trên, ven kênh sẽ phải di dời.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP. HCM ngày 16/4 về việc thực hiện di dời nhà trên, ven kênh rạch TP. HCM giai đoạn 2021 – 2025 đã thể hiện rõ, từ nay đến hết 2025, dự án bờ nam kênh Đôi không có tên trong danh mục dự án thực hiện hay cần xin chủ trương đầu tư.