Nhà phố cổ chật vật không bán được vì cảnh "nhiều căn chung 1 số"

Việc chung số nhà ở phố cổ Hà Nội đang gây nhiều phiền toái cho công tác quản lý và giao dịch mua bán. Không ít hộ phải bám trụ trong những căn phòng xập xệ, chật hẹp nhưng vẫn không thể chuyển đi vì muốn bán cũng không xong.

5-6 căn nhà chung 1 số

Theo thống kê, năm 2017, TP HCM có khoảng 1,5 triệu căn nhà, trong đó khoảng  1,1 triệu căn đã được cấp, chỉnh sửa số và TP Hà Nội cũng ở mức tương tự.

Tuy nhiên, với số lượng nhà ở tăng lên hàng năm, tình trạng “dán nhầm", không theo quy tắc vẫn xảy ra, nhất là trong ngõ sâu...đang ngày một gây khó khăn cho công tác quản và giao dịch dân sự.

Chia sẻ với Đô thị mới, một người dân ở phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) cho biết, gia đình bà đang rao bán bất động sản ở số 5X (dãy nhà số chẵn). Điều đáng nói, ngoài nhà của gia đình bà thì đang có 3 căn khác...chung số với 2 cửa hàng phía ngoài mặt phố Hàng Ngang.

Theo lời người phụ nữ này thì cả số nhà 5X, cách đây 80 năm là của một chủ sở hữu. Sau đó, người chủ chia nhỏ ra để bán cho các hộ gia đình. Việc này gây ra nhiều bất tiện khi làm giấy tờ mua bán. Hơn nữa, hiện các hộ này cũng chưa có sổ đỏ riêng. Do đó, họ chỉ bán được nhà, chứ không bán được số nhà.

Tương tự trường hợp ở Hàng Ngang, gia đình người đàn ông ở số 2Y (dãy số lẻ) trên phố Hàng Thiếc cũng đang gặp phải cảnh chung đụng số nhà. Cụ thể, 3/6 hộ thuộc số nhà 2Y đang có ý định rao bán nhưng 3 hộ còn lại không đồng thuận. 

Hai trường hợp trên chỉ là ví dụ điển hình cho hàng trăm gia đình ở phố cổ Hà Nội đang gặp phải cảnh khóc dở mếu dở vì sự oái oăm này.

Theo tìm hiểu, các hộ gia đình chung số nêu trên trước chỉ mua căn phòng với diện tích chưa đầy 10m2. Sau đó, tự cơi nới ra. Vì vậy, đến nay hầu hết đều chung sân phơi, nhà bếp, nhà tắm, vệ sinh...Các công trình này đều đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Lối vào các hộ chỉ là một ngách nhỏ, chưa đầy nửa mét, quanh năm không có ánh sáng không hiện hữu.

Do tiện ích và môi trường sống tồi tàn nên không ít thế hệ con, cháu sau này đã chuyển ra ngoài, chỉ còn thế hệ lớn tuổi ở lại. Một số người cũng muốn bán nhà, chuyển đến sống với con cháu nhưng mãi vẫn không thể bán được.

Nhiều ý kiến về định danh số nhà

Trước đề xuất định danh số nhà để minh bạch thị trường BĐS của Bộ Công an mới đây, nhiều người dân đã bày tỏ sự đồng tình: “Việt Nam nên định danh postal code (mã bưu chính) như nhiều quốc gia thì sẽ thuận tiện hơn rất nhiều”, “Định danh số nhà sẽ quản lý tốt nhưng đề nghị Bộ Công an nghiên cứu bảo mật quyền riêng tư cho người dân”…

Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng, Bộ Công an cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể đối với việc định danh để người dân dễ nắm bắt hơn.

Được biết trước đó, khi ký hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã tham mưu về giải pháp giúp minh bạch thị trường BĐS qua định danh số nhà.

Cụ thể, phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ Công an có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. Do đó, C06 sẽ phối hợp cùng phía bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà.

Đây cũng là giải pháp để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về lập lại trật tự, khắc phục những bất cập với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.

Đáng chú ý, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của C06, giải thích: Thông qua định danh số nhà sẽ dễ dàng xác định được mỗi người đang sở hữu bao nhiêu BĐS và ở đâu. Có dữ liệu này, các đơn vị như bưu điện, chuyển phát nhanh sẽ dễ dàng khai thác thông tin khi giao hàng.

Ông Vĩnh cho biết Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở. Bộ Công an sau đó sẽ dựa vào đây, cùng với thông tin thu thập từ UBND các cấp để định danh số nhà. Tuy nhiên, hiện, cách thức định danh số nhà chưa được công bố.

Trên thực tế, từ năm 2006, Bộ Xây dựng đã quy định nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và trong ngõ theo thứ tự 1, 2, 3... Nhà bên trái lấy số lẻ 1, 3, 5... Nhà bên phải lấy số chẵn 2, 4, 6... Chiều ghi số nhà từ nhỏ đến lớn theo hướng bắc xuống nam, đông sang tây, đông bắc sang tây nam, đông nam sang tây bắc. Căn hộ chung cư cũng được đánh theo dãy số tự nhiên, trong đó hai chữ số hàng chục và đơn vị ghi số căn hộ, hai chữ số hàng nghìn và trăm chỉ số tầng...