Nhiều chiêu trò mới xuất hiện trên thị trường vàng

Trong bối cảnh mua bán vàng ngày càng khó khăn, tại thị trường tự do đã xuất hiện thêm nhiều chiêu trò mới như cử người ngồi chực chờ tại các cửa hàng để mua lại vàng của người dân, giao dịch với tỷ lệ 50/50 trên mạng xã hội…Những chiêu thức này đều mang lại rủi ro lớn cho người có nhu cầu thực.

Trong thời gian gần đây, thị trường vàng đã chứng kiến tình trạng “khó mua, khó bán” khi giá vàng miếng ghi nhận mức tăng 15% và vàng nhẫn hơn 30% kể từ đầu năm. Hiện, vàng miếng chỉ được giao dịch tại 5 đơn vị chỉ định với số lượng bán ra có hạn, còn với vàng nhẫn tình trạng khan hàng thường xuyên xảy ra khi người mua phải “canh giờ”, xếp hàng mới có thể giao dịch.

Xuất hiện “cò” vàng chực chờ

Ở chiều bán ra của người dân, những ngày gần đây, đã liên tiếp xuất hiện phản ánh liên quan đến việc các tiệm vàng từ chối mua lại cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn và nữ trang. Nguyên nhân do các tiệm vàng không có giấy phép mua bán của Ngân hàng Nhà nước nên không dám mua lại của người dân, chỉ được giao dịch ở đúng nơi đã mua.

Từ những khó khăn này, đã xuất hiện tình trạng “cò” vàng trà trộn vào các cửa hàng kinh doanh chính thống, chờ cơ hội để bắt chuyện với khách hàng, dò hỏi nhu cầu mua bán. Đơn cử, mới đây, chị Phạm Ngọc Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) có phản ảnh việc mang 3 lượng vàng đi bán tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, trong lúc chờ đến lượt, người ngồi cạnh đã đề nghị mua lại vàng của chị với giá 83 triệu đồng/lượng – cao hơn giá niêm yết tại cửa hàng 1 triệu đồng, miễn là có hóa đơn đầy đủ.

Không chỉ ở Hà Nội, anh Minh Tân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho biết, gặp những người này khi ngồi chờ mua vàng. Khi anh Tân bày tỏ nhu cầu mua chứ không bán, người này mới dừng bắt chuyện và chờ đợi những người khách khác. 

mua-ban-vang-1728469429.jpg
Người dân chỉ nên giao dịch vàng tại các đơn vị được cấp phép

Còn đối với người mua, khi không thể giao dịch với đơn vị phân phối chính thức sẽ có xu hướng tìm đến những người có nhu cầu bán, sẵn sàng bỏ tiền chênh lệch để được giao dịch. Theo một nhân viên bán vàng, “cò” thường rất khó nhận diện, vì họ đến cửa hàng với tư cách là người mua. Thực tế, với mức giá chênh lệch hàng triệu đồng so với cửa hàng, việc người mua bán tự giao dịch là điều không thể tránh khỏi.

Không chỉ xuất hiện “cò” vàng, tình trạng giao dịch “giá 50/50”, tức là người mua và người bán sẽ được ăn chia theo tỷ lệ 50/50 dựa trên giá chênh lệch từ mức niêm yết chính thức tại thời điểm bán.

Ví dụ, một người muốn bán số lượng vàng từng mua tại cửa hàng của SJC, tính đến ngày 9/10, SJC đang niêm yết mức giá 83 – 85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) thì sẽ giao dịch ở mức giá 84 triệu đồng/lượng.

Như vậy, người mua sẽ được rẻ hơn 1 triệu đồng và người bán cũng được hưởng mức giá cao hơn 1 triệu đồng so với giá niêm yết chính thức. Nếu chấp thuận, 2 bên sẽ cùng ra cửa hàng để kiểm tra, đúng là hàng thật thì mới tiến hành giao dịch.

Chỉ giao dịch ở những đơn vị chính thống

Theo ông Trần Hữu Đang - Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý ASEAN (AJC), trong thời gian qua, trước sự “khó mua, khó bán” của thị trường vàng chính thống, nhiều “chiêu trò” đã xuất hiện trên thị trường tự do, thu hút được nhiều người dân tham gia.

Tuy nhiên, việc giao dịch vàng trên những nền tảng mạng xã hội, tự giao mua bán với nhau có thể dẫn tới tình trạng bị lừa dảo, mua phải vàng giả hoặc không nhận được chứng chỉ chính chủ, và sẽ gặp khó khăn khi muốn thanh khoản. Người bán cũng có thể bị cơ quan chức năng kiểm tra vì vi phạm các quy định về quản lý thị trường vàng.

mua-ban-vang-1-1728469474.jpg
Nhiều chiêu trò mau bán vàng xuất hiện trên thị trường tự do

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Dưng – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM cho biết, thực trạng khó mua vàng nhẫn trơn là có thật do nguồn cung khan hiếm, khiến nhiều người tìm đến các diễn đàn và hội nhóm để giao dịch trực tiếp, từ đó phát sinh rủi ro cho cả bên mua và bán. Nếu sản phẩm kém chất lượng, không ai có thể chịu trách nhiệm hay kiểm soát. Vì vậy, ông Dưng khuyến cáo, người dân chỉ nên giao dịch tại các cửa hàng được cấp phép để đảm bảo chất lượng và có hóa đơn hợp lệ.

Ông cũng nhấn mạnh nghịch lý trên thị trường vàng trang sức: mặc dù giá vàng tăng kỷ lục, nhưng hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào, dẫn đến không thể tạo ra sản phẩm mới và không kích thích nhu cầu mua bán.

TS. Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, khi cung cầu trên thị trường vàng không gặp nhau sẽ thúc đẩy thị trường không chính thức hoạt động mạnh hơn, dẫn đến tình trạng 2 giá giữa vàng trong và ngoài mạng lưới chính thống. Trong khi lượng vàng tồn tại hàng chục năm qua nên lượng vàng trong dân khá nhiều.

Nếu tình trạng mua bán vàng như hiện nay kéo dài, thị trường tự do phát triển nhanh hơn sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Thậm chí, người bán có thể sẽ vi phạm pháp luật do vi phạm quy định về quản lý thị trường. Do vậy, người dân chỉ nên mua bán vàng miếng SJC tại các đơn vị đã được cấp phép.

Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, cũng cảnh báo người dân cần chú ý đến chất lượng vàng và tính thanh khoản khi giao dịch trên thị trường “chợ đen”. Bởi việc không tránh khỏi tình trạng vàng bị hao hụt, vàng giả, pha trộn, không đảm bảo tỷ lệ chất lượng trên . Người dân thực sự có nhu cầu mua vàng thì nên cân nhắc kỹ khi giao dịch tại thị trường này. Còn trường hợp mua để đầu tư, đầu cơ thì nên hạn chế vì nhiều rủi ro tiềm ẩn.