Nhiều doanh nghiệp lớn bán bớt tài sản để cân đối dòng tiền

Dù đã có sự hồi phục trở lại nhưng thị trường bất động sản có vẻ như chưa đủ sức để giúp các doanh nghiệp ngành này vượt qua thời gian dài “dò đáy”. Nhiều "ông lớn" liên tục thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết để cân đối dòng tiền.

Thời gian gần đây, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây Dựng (DIC Corp) liên tục được nhắc đến với các thông tin về thoái vốn, chuyển nhượng dự án, giải thể công ty con trong bối cảnh tình hình kinh doanh chưa có nhiều khả quan.

Đơn cử mới đây, công ty vừa thông qua chủ trương thoái vốn tại DIC Anh Em và thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Cao su Phú Riềng – Kratie cho nhà đầu tưu có nhu cầu nhận chuyển nhượng, thời gian trước 30/9/2024.

Trước đó, DIC Corp cũng thông qua chủ trương giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point, công ty con do DIG sở hữu 100% vốn. Doanh nghiệp này mới chỉ được DIC Corp thành lập hồi tháng 6/2023 vừa qua, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

dic-corp-1719462797.jpg

DIC Corp liên tục được nhắc đến với các thông tin về thoái vốn, chuyển nhượng dự án

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng mới thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại 2 công ty liên kết là Công ty CP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt (tỷ lệ sở hữu 32,31%) và Công ty CP Kỹ thuật Jesco Hoà Bình (tỷ lệ sở hữu 47,82%). Các công ty này đều đang ghi nhận lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/3/2024, do đó giá trị khoản đầu tư ghi nhận tại thời điểm cuối quý I/2024 chỉ còn 9,5 tỷ đồng tại Jesco Hoà Bình và 12 tỷ đồng tại Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt.

Cũng nằm trong xu thế, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Công ty CP Đầu tư Bất động sản DIDICI. Cụ thể, số cổ phần Phát Đạt sẽ chuyển nhượng là 112 triệu đơn vị, tương đương 49% vốn điều lệ, giá trị theo mệnh giá là gần 1.120 tỉ đồng. Giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá. 

Nếu thành công, Phát Đạt dự kiến thu về tối thiểu 1.450 tỉ đồng. Cách đây không lâu, Phát Đạt cũng đã bán thành công gần 100 triệu cổ phần (tương đương 99,8% vốn điều lệ) tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI).

Tương tự, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã thông qua việc chuyển nhượng dự án nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung nhằm tái cơ cấu đầu tư với giá trị lần lượt 235 tỉ đồng và 380 tỉ đồng. Việc chuyển nhượng cả hai dự án sẽ diễn ra trong quý II và III năm nay.

hoa-binh-1719462849.jpg

Xây dựng Hòa Bình cũng mới thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại 2 công ty liên kết đang âm vốn

Trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, Công ty CP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh. Tại thời điểm 31/3, Vinconex sở hữu 2 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn góp với tổng giá trị 199 tỉ đồng tại Vạn Ninh.

Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư dự án Cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) có diện tích gần 83 ha (xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng.

Thực tế, trong bối cảnh “sức khỏe” của nền kinh tế còn nhiều biến động, thách thức buộc các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều phải tái cơ cấu, cắt bớt những khoản đầu tư dàn trải, tính tới việc mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh, hoặc tập trung dòng tiền về những sản phẩm đang có nhu cầu cao.

Ngoài nguồn vốn tài chính quen thuộc từ tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu hay phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán, việc bán bớt phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết cũng là một trong những hoạt động giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để phát triển kinh doanh.