Nhiều lao động khốn đốn vì bị trùng bảo hiểm xã hội

Thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật khiến cho nhiều người lao động khốn đốn khi muốn được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội nhưng lại bị trùng sổ.

Chị Nguyễn Thị Vân đang làm công nhân tại khu công nghiệp ở Nội Bài (Hà Nội). Chị Vân cho biết, năm 2009, chị tốt nghiệp THPT nhưng không thi đại học mà đi học nghề. Thời điểm này, có một người quen đã mượn hồ sơ của chị nộp vào một công ty để được làm sổ BHXH. Chị Vân không nghĩ nhiều mà cho người này mượn luôn.

Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề, chị Vân xin làm công nhân, rồi được công ty đóng bảo hiểm. Tới gần đây, khi có nhu cầu hưởng chế độ BHXH, chị mới phát hiện bị trùng do cùng thời điểm có 2 sổ BHXH mang tên chị. Ngay sau đó, chị đã đến các cơ quan BHXH thành phố để hỏi thì được các cán bộ ở đây hướng dẫn tới tòa án rồi đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội xử lý. Tuy nhiên, đến nay, chị vẫn chưa thể tìm được phương án để giảm trùng. 

bao-hiem-xa-hoi-1720951473.jpg
Trùng sổ bảo hiểm khiến nhiều người khốn đốn khi xin hưởng chế độ

Chị Vân bức xúc chia sẻ, chị rất muốn hủy sổ BHXH mà người quen đóng đi nhưng không được. Bây giờ chị cũng không biết phải đi đâu để có thể hủy sổ và làm hồ sơ giảm trùng sổ BHXH. Trùng sổ BHXH khiến việc hưởng các quyền lợi của chị bị ảnh hưởng, thậm chí chị không thể làm bất cứ thủ tục nào khi vẫn đang bị trùng sổ.

Tương tự, anh Trần Công Minh (Thái Bình) cũng cho một người quen mượn hồ sơ để đi xin việc 10 năm trước. Mới gần đây, anh mới phát hiện bản thân có tới 2 sổ BHXH. Anh Minh cho biết, thời điểm đó, anh lên Hà Nội xin việc, có thuê chung nhà với một người tên Thanh. Người này khi ấy cần nộp gấp hồ sơ xin việc nên đã mượn của anh. Nghĩ cùng người ở tỉnh lẻ lên Hà Nội xin việc nên anh đã cho mượn.

Giờ anh được hướng dẫn cần liên hệ với người mượn hồ sơ kia để họ nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng lao động đã ký vô hiệu. Từ đó, cơ quan bảo hiểm xã hội mới có cơ sở điều chỉnh thông tin. Tuy nhiên, anh Minh cho hay, sau khi chuyển trọ, anh đã không còn liên hệ với người mượn hồ sơ kia nên hiện không biết phải tìm người kia thế nào.

bao-hiem-xa-hoi-1-1720951473.jpg
Cho người khác mượn hồ sơ xin việc dẫn đến tình trạng bị trùng đóng BHXH

Tình trạng trùng sổ BHXH do cho mượn hồ sơ đi xin việc khiến nhiều người lao động chật vật để xin hưởng chế độ. Trước vấn đề này, BHXH Việt Nam cho biết, những trường hợp mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động được hướng dẫn giải quyết tại Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Theo điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động quy định, người dân mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động thuộc trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ. Và thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được quyết định bởi tòa án nhân dân.

Từ đây, BHXH Việt Nam hướng dẫn: Nếu cho người khác mượn hồ sơ để giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH thì muốn đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHXH của mình, người cho mượn cần đề nghị người mượn hồ sơ nộp đơn yêu cầu lên tòa án để tuyên bố hợp đồng lao động đã ký vô hiệu. Sau đó, đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh thông tin nhân thân trên sổ BHXH đã cấp từ tên của người cho mượn hồ sơ về đúng thông tin nhân thân của người mượn hồ sơ.

Như trường hợp của chị Lan và anh Minh hiện đang mắc ở chỗ, họ không thể liên lạc với người đã mượn hồ sơ nên chưa thể làm theo hướng dẫn, thực hiện các thủ tục để hưởng quyền lợi BHXH của mình.