Vài năm trở lại đây, loại hình vận tải hành khách đi chung chuyến dần trở nên phổ biến, được rất người dân lựa chọn vì ưu điểm thuận tiện đón - trả tận nơi. Các phương tiện sử dụng cho loại hình vận tải này thường là ô tô từ 5 - 9 chỗ. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đường bộ quy định về hợp đồng vận tải hành khách, khiến loại hình này gặp khó.
Góp ý cho dự thảo, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu, nếu đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê có nhu cầu thuê cả chuyến xe, tức là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở 1 hành khách hoặc 1 nhóm khách duy nhất. Điều này vô tình làm hạn chế loại hình vận tải chia sẻ chuyến.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến này. Theo các đại biểu, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ phổ biến ở nhiều quốc gia. Mô hình này cho phép những hành khách khác nhau về điểm đón và trả nhưng chung lộ trình có thể đi chung một chuyến xe. Hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn. Còn người lái xe cũng gia tăng được thu nhập do lượng khách trong một chuyến xe tăng lên.
Mô hình này lại mang nhiều lợi ích cho xã hội vì có thể tối đa hóa số người di chuyển trong 1 chuyến, do đó sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường. Những tác động này sẽ góp phần giảm áp lực với cơ sở hạ tầng và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.
Từ cơ sở này, đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh quy định theo hướng vừa kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc mà vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Luật Đường bộ 2024 đã có sửa đổi phù hợp. Cụ thể, khoản 10 Điều 56 quy định, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở lên (tính cả chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Như vậy, xe dưới 9 chỗ sẽ không cần phải ký hợp đồng với người thuê vận tải cả chuyến, đồng nghĩa được phép gom khách lẻ đi ghép, đi chung 1 chuyến xe.
Biết được thông tin này, anh Trần Trung Kiên (Thái Bình) rất vui. Anh chia sẻ, anh đang chạy xe gom chuyến tuyến Thái Bình - Hà Nội. Thời điểm Covid-19, mọi người di chuyển bằng xe thuê nguyên chuyến nhiều nên anh đã mua ô tô 7 chỗ về chạy. Hậu Covid-19, khi không có khách thuê nguyên chuyến, anh gom khách đi lẻ.
Hiện anh tham gia nhóm Zalo có vài nghìn tài xế chạy xe ghép chuyến Thái Bình - Hà Nội. Nhóm được lập ra chủ yếu là để các tài xế tìm kiếm và chia sẻ khách đi xe với nhau. Theo đó, tài xế nào có khách liên hệ ghép xe lên Hà Nội hoặc về Thái Bình mà không tiện lộ trình thì có thể đăng lên đây để tài xế khác nhận chở.
Anh Kiên bảo, dù không tham gia nghiệp đoàn vận tải nào, nhưng các chính sách của Nhà nước về vận tải hành khách anh đều cố gắng tuân thủ như việc đổi biển số xe từ trắng sang vàng… Giờ biết được việc xe hợp đồng dưới 9 chỗ được gom khách lẻ đi chung chuyến, những tài xế như anh cũng thấy yên tâm.