Đã hoàn thành 70%, dự án đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình vẫn nằm chờ "giải cứu"

Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng dù đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc nhưng vẫn phải "đắp chiếu" vì nhà đầu tư đang chờ điều chỉnh lãi suất vốn vay.

Dự án đường ven biển Hải Phòng – Thái Bình nằm trong tổng thể quy hoạch đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010 và điều chỉnh quyết định vào năm 2015. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (BOT) với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, chiều rộng nền đường 12m.

Tuyến đường có tổng chiều dài 29,7km. Cụ thể: đoạn đi qua tỉnh Thái Bình dài 9km và đi qua TP. Hải Phòng chiều dài 20,7km.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.795 tỷ đồng. Trong đó, 720 tỷ đồng là vốn nhà nước phục vụ giải phóng mặt bằng tại địa bàn TP. Hải Phòng; hơn 3.038 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng do nhà đầu tư phụ trách (900 tỷ vốn chủ sở hữu và hơn 2.138 tỷ dồng là vốn vay). Thời gian thực hiện kéo dài trong 25 năm 6 tháng.

duong-ven-bien-hai-phong-thai-binh-1717210063.jpeg
Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đang dừng thi công chờ giải cứu (Ảnh: Đỗ Hoàng, Nam Khánh - Vneconomy)

Thời gian đầu, Liên danh 4 doanh nghiệp gồm: Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP (CC1), Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ, Tổng công ty IDICO – CTCP làm nhà đầu tư thực hiện dự án. Liên danh này đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư đường ven biển Hải Phòng.

Trong khi đó, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng nắm giữ vai trò quản lý dự án này.

Tháng 5/2017, dự án chính thức động thổ nhưng sau khi triển khai đã vấp phải khó khăn về nguồn vốn. Giai đoạn 2018 - 2019, nguồn vốn vay BOT bị siết chặt khiến dự án không có vốn để triển khai. Tới năm 2020, 2 thành viên liên danh xin rút khỏi dự án. Lúc này doanh nghiệp dự án chỉ còn hai thành viên là CC1 và Công ty Bùi Vũ.

Cuối năm 2021, liên danh nhà đầu tư đã huy động đủ 900 tỷ đồng phần vốn chủ sở hữu. Trong đó, CC1 huy động được 856 tỷ đồng, còn Công ty Bùi Vũ huy động 44 tỷ đồng. 

Về vốn vay, doanh nghiệp dự án đã ký các hợp đồng vay vốn với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng. Cụ thể Ngân hàng Thương mại CP Tiên Phong cho vay 1.000 tỷ đồng, CC1 ký cho vay 1.200 tỷ đồng.

BQL dự án đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, ban đầu dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019 nhưng sau đó đã nhiều lần lùi thời gian hoàn thành. Đến nay dự án vẫn chậm tiến độ và chưa thể về đích.

Tại phụ lục hợp đồng BOT ký kết giữa UBND TP. Hải Phòng và nhà đầu tư vào tháng 3/2022 có nêu rõ, thời gian hoàn thành thi công được gia hạn tới cuối tháng 6/2023. Tuy nhiên thời điểm 22/6/2023, nhà đầu tư lại có văn bản đề nghị tạm dừng thực hiện BOT.

duong-ven-bien-hai-phong-thai-binh-1717209833.jpg
Cầu qua sông Văn Úc có tổng chiều dài 2.217 km đã hoàn thành từ tháng 5/2023 (dự án thành phần của Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình). (Ảnh: Duy Bắc - Báo Đầu tư)

Được biết, tại thời điểm nhà đầu tư xin tạm dừng thi công, dự án đường ven biển Hải Phòng – Thái Bình đã triển khai được 70% khối lượng công việc, tổng giá trị giải ngân đạt 2.192 tỷ đồng (trong đó, vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng đạt 100% và vốn vay 1.292 tỷ đồng đạt gần 59%).

Trước việc nhà đầu tư xin dừng thực hiện, UBND TP. Hải Phòng cho hay nguyên nhân là do dự án đang vướng mắc lớn liên quan đến lãi suất vốn vay thực tế cao hơn vốn vay quy định tại hợp đồng BOT. Cụ thể, chênh lệch lãi suất khoảng 5-6%, với mức chênh lệch này, dự án sẽ bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Việc này vượt quá khả năng cân đối tài chính và dẫn tới phá sản doanh nghiệp dự án.

Từ thời điểm ký kết hợp đồng BOT, UBND TP. Hải Phòng đã cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án gửi báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ 2 lần về điều chỉnh lãi suất vốn vay và nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay. Tuy nhiên đến nay, UBND TP. Hải Phòng vẫn chưa có đủ cơ sở để đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về điều chỉnh lãi suất vốn vay.

Không chỉ gặp khó khăn trong nguồn vốn, dự án cũng vướng phải những khó khăn trong việc bổ sung, mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường sử dụng ngân sách địa phương dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế; tình hình Covid-19; nguyên vật liệu khan hiếm, giá nguyên vật liệu leo thang; công tác bàn giao mặt bằng chậm; chi phí nhân công tăng cao…

Trước những vướng mắc cấp bách của dự án, vừa qua, doanh nghiệp dự án vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ xin được tháo gỡ khó khăn.

Có thể thấy, dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình là một trong những công trình trọng điểm, có tính liên kết vùng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triểnkinh tế và quốc phòng - an ninh. Việc dự án sớm được hoàn thiện và đưa vào khai thác là một trong những nhiệm vụ cấp bách cho nhà đầu tư và UBND TP. Hải Phòng nói riêng, cũng như hệ thống mạng lưới giao thông của khu vực, đặc biệt là tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước nói chung.