Nhiều người trẻ vẫn hào hứng với mua hàng tại chợ truyền thống

Là một người trẻ nhưng thường xuyên đi chợ truyền thống, chị Nguyễn Trần Bảo Thy chia sẻ, chị thích nhất là được tự tay chọn những món đồ tươi ngon và có thể trả giá. Đặc biệt, chị rất thích sự giao tiếp giữa người với người ở chợ. Đôi khi, mua hàng xong, chị còn nán lại trò chuyện với cô bán thịt heo hoặc người bán trái cây.

Người Việt trẻ mua sắm online nhiều…

Hiện nay, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử được người trẻ Việt yêu thích bởi không mất thời gian tới điểm mua, tối ưu được giá vào các dịp khuyến mại, giao hàng tận nơi…

cho-truyen-thong-2-1724460826.jpg
Mua sắm online đang là xu thế được yêu thích

Báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam về hành vi mua sắm của người cho thấy, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành hơn 8 giờ mỗi tuần để "dạo chợ" online. Tần suất này gần gấp đôi so với số lần đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.

Mỗi người tiêu dùng thường sử dụng khoảng 3,2 nền tảng khác nhau để phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến. Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng phổ biến nhất, chiếm đến 94% trong các giao dịch mua sắm online.

Trong khi đó, thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric chỉ ra, 6 tháng đầu năm nay, 5 sàn thương mại điện tử là Shopee, TikTok Shop, Tiki, Lazada và Sendo ghi nhận mức doanh thu 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng.

Theo một báo cáo của Decision Lab vào năm 2023, khoảng 80% người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 34 tại Việt Nam đã từng mua sắm trực tuyến ít nhất một lần. Nhóm tuổi này được xem là nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Thanh sống tại Long Biên (Hà Nội), luôn tận dụng những dịp các sàn thương mại điện tử tung ra nhiều khuyến mãi để mua sắm. Những dịp như vậy, chị thường mua ít nhất 2 đơn hàng, có khi lên đến gần 20 đơn. Chị Nhàn chia sẻ rằng, với công việc 9 tiếng mỗi ngày tại công ty và thêm hơn 1 tiếng di chuyển trên đường, việc mua sắm qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp thuận tiện nhất cho chị.

cho-truyen-thong-1-1724460772.jpg
Đi chợ truyền thống vẫn được nhiều bạn trẻ hào hứng

…vẫn dành tình cảm với chợ truyền thống

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của mua sắm online thì các chợ truyền thống cũng dần ế ẩm vì không có nhiều hấp dẫn với người trẻ. Tuy nhiên, vẫn có những bạn trẻ chia sẻ vẫn thích cảnh đi chợ truyền thống, siêu thị để tận tay lựa thực phẩm, đồ dùng.

Chị Phan Thị Thanh Thảo (quê Cà Mau, đang sống ở quận 5, TP. HCM) cho biết, chị vẫn thích đi chợ truyền thống bởi gợi nhớ những kỷ niệm ngày nhỏ thường cùng mẹ xách giỏ ra chợ quê mua thực phẩm về nấu ăn. Chị còn trực tiếp chọn lựa được những loại thực phẩm tươi ngon như thịt heo, cá, hải sản... mà tiểu thương mới lấy hàng về. Bên cạnh đó, chị Thảo cũng yêu thích không khí tấp nập và sự nhộn nhịp của việc trả giá tại chợ.

Khi lên TP. HCM học tập và làm việc, chị vẫn duy trì thói quen đi chợ, đồng thời kết hợp cả việc mua sắm tại siêu thị. Do không có nhiều thời gian để đi chợ hàng ngày, chị thường lên kế hoạch đi chợ 3 ngày/lần, mua đủ nguyên liệu cho vài bữa ăn.

Chị Thảo chia sẻ, chợ ở thành phố cũng như ở quê, mua rau thường được tặng thêm ít hành lá, ngò rí. Sả bằm thì chỉ cần mua 1.000 - 2.000 đồng cũng có người bán. Khi cần gì, chỉ việc chạy ra chợ gần nhà là có ngay, còn đặt hàng qua mạng thì đợi ship đến có khi đã qua bữa cơm rồi. Thỉnh thoảng, chị còn đến chợ truyền thống để mua quần áo secondhand vì giá cả hợp lý và mẫu mã phong phú.

cho-truyen-thong-1724460772.jpg
Mua được đồ tươi ngon là một ưu điểm vượt trội của chợ truyền thống

Tương tự, anh Trần Văn Cương (quận Bình Thạnh, TP. HCM) cũng ưu tiên mua sắm trực tiếp tại chợ và siêu thị. Anh thường ghé qua chợ cóc trước khu nhà trọ, nếu không tìm thấy đồ cần mua thì sẽ sang chợ Thanh Đa.

Anh Cương cho biết, anh thích đi dạo trong chợ, nhiều khi không biết ăn gì nhưng đi một vòng là nghĩ ra được nhiều món để mua. Đôi khi, anh tiện thể tạt vào ăn sáng hay ăn vặt cũng vui. Ở các khu du lịch nổi tiếng, anh ít khi dám đi chợ vì sợ bị chặt chém. Nhưng tại chợ truyền thống ở Sài Gòn, đặc biệt là chợ gần nhà anh, việc mua sắm rất bình thường, không lo bị hét giá vì đa phần tiểu thương ở đây đã bán hàng lâu năm. Chỉ lâu lâu, xui lắm thì mới mua nhầm chỗ bán giá cao hơn nhiều so với những nơi khác.

Là những người trẻ hiện đại, chị Thảo và anh Cương đều nhận thức rõ lợi ích và xu hướng tiện lợi của mua sắm trực tuyến: Chỉ cần ngồi tại nhà, đặt hàng và chuyển khoản, là sẽ có người giao hàng tới.

Chị Thảo và bạn cùng phòng trọ vẫn tận dụng tiện ích này, nhưng chủ yếu mua quần áo và mỹ phẩm. Đối với thực phẩm và đồ gia dụng, chị ưu tiên chọn mua trực tiếp tại chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, hoặc siêu thị. Chị Thảo bộc bạch, giá cả ở chợ cũng không chênh lệch nhiều so với siêu thị hay các nền tảng mua sắm online nếu bạn mua ở những nơi bán lâu năm, uy tín, hoặc là mối quen của mình.

Đối với Cương, ngoài việc đi chợ, anh cũng thường vào siêu thị để "săn sale", tức canh lúc một số mặt hàng giảm giá rồi mới mua.

Cũng là một người thường xuyên đi chợ, chị Nguyễn Trần Bảo Thy (quận 12, TP. HCM) chia sẻ, chị thích nhất là được tự tay chọn những món đồ tươi ngon và có thể trả giá. Tất nhiên, chị phải nắm giá thị trường để biết chỗ đó có bán đắt không mà còn mặc cả. Đặc biệt, chị rất thích sự giao tiếp giữa người với người ở chợ. Đôi khi, sau khi mua hàng xong, chị còn nán lại trò chuyện với cô bán thịt heo hoặc cô bán trái cây.