Nhiều tiệm vàng "mất khách" vì yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân với 1 chỉ vàng

Nhiều cửa hàng yêu cầu khách hàng cung cấp số điện thoại và xuất trình căn cước công dân khi mua vàng bất kể số lượng, loại sản phẩm. Điều này khiến cho người mua e ngại, quyết định không mua.

Mới đây, nhiều người tại Hà Nội cho biết, khi đi mua 1 chỉ vàng nhẫn tại cửa hàng vàng, hầu hết các chủ tiệm đều yêu cầu xuất trình căn cước công dân. Khi bày tỏ thắc mắc thì đại diện một cửa hàng cho biết, dù khách hàng mua ít hay mua nhiều đều phải cung cấp thông tin cá nhân.

Đây là yêu cầu được các cửa hàng thực hiện từ hồi tháng 5, nhằm chấp hành quy định của cơ quan chức năng trong công tác phòng chống rửa tiền. Không riêng các sản phẩm vàng SJC, nhẫn tròn trơn, nhẫn vàng rồng Thăng Long, khách hàng cũng được yêu cầu cung cấp tất cả những thông tin liên quan.

Tương tự, tại khu chuyên kinh doanh vàng bạc trên đường An Dương Vương (quận 5), chị Lam – chủ tiệm vàng Khánh Hồng cho biết, đối với tất cả các sản phẩm vàng, các cửa hàng ở đây đều yêu cầu khách hàng cung cấp căn cước công dân để xuất hóa đơn, nhằm khai báo với cơ quan thuế.

vang-nahn-1722669975.jpg
Nhiều người mua 1 chỉ vàng cũng phải cung cấp thông tin cá nhân

Tuy nhiên, đối diện với yêu cầu này không ít khách hàng đã từ chối và trả hàng, không mua nữa vì không đem theo căn cước, hoặc e ngại với việc phải cung cấp thông tin cá nhân. Tình trạng vắng vẻ xuất hiện tại hầu hết các “phố vàng”.

Liên quan đến vấn đề kê khai thông tin khi mua vàng, mới đây, UBND TP.HCM đã lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn, nhằm thu thập, phân tích thông tin tình hình mua bán. Đồng thời thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng miếng và sản xuất, mua bán trang sức.

Ngay sau khi tổ công tác nà được thành lập, đã có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc này là không cần thiết. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo mới đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP. HCM khẳng định việc lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng "không để kiểm tra, làm khó người dân", mà duy trì vận hành ổn định thị trường.

Theo đó, việc thu thập, trao đổi thông tin trong Tổ công tác nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cá nhân, công ty chế tác có nhu cầu thực, tránh bị ảnh hưởng bởi tình trạng đầu cơ, trục lợi.  Cũng theo ông Hà, Luật Phòng chống rửa tiền cho phép cập nhật thông tin người mua có giao dịch lớn, đáng ngờ. Các thông tin người mua vàng luôn được đảm bảo bí mật theo quy định.

Lý giải thêm việc thành lập tổ công tác, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM cho biết, từ đầu tháng 6, thực hiện biện pháp ổn định thị trường, vàng miếng được bán ra thị trường qua 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

mua-vang-1722670124.jpeg
Thông tin người mua vàng được cơ quan chức năng bảo mật

Do vậy, cơ quan quản lý, SJC và 4 ngân hàng thương mại phải tuân thủ và có trách nhiệm thực hiện nguồn lực Nhà nước hiệu quả. Điều này cần các biện pháp quản lý đồng bộ, gồm phối hợp cung cấp thông tin, thanh, kiểm tra để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi, làm giá.

Trước đó, bên cạnh duy trì cung ứng vàng miếng SJC đáp ứng các nhu cầu của người dân, NHNN cũng chủ động các giải pháp để xử lý hiện tượng đầu cơ, gom vàng. Vừa qua, Vietcombank và BIDV đã thông báo thay đổi chính sách đăng ký mua vàng miếng, chỉ bán cho các khách hàng đã mở tài khoản tại ngân hàng, nhằm tăng chất lượng dịch vụ và quản lý thông tin khách hàng, cũng như phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng TP.HCM, 7 tháng đầu năm, đã thu giữ gần 1.600 sản phẩm vàng, trang sức vi phạm, trị giá hơn 14,2 tỷ đồng. Cục Quản lý Thị trường TP.HCM cho biết đã xử lý gần 200 vụ vi phạm, phần lớn liên quan đến vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.