Nhiều tranh cãi trong thí điểm bỏ đèn giao thông đếm ngược thời gian

TP. HCM có hàng triệu xe cộ đi lại mỗi ngày, phần lớn là xe hai bánh. Bỏ đếm ngược đèn đỏ, nhiều người sẽ nổ máy xe khi dừng chờ, gây lãng phí nhiên liệu, ô nhiễm tiếng ồn và xả lượng khí thải lớn.

Giảm ùn tắc và bấm còi thúc giục

Chiều 4/7, trong buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tại TP. HCM, nhiều câu hỏi được đặt ra với Sở Giao thông Vận tải về việc thí điểm bỏ đèn giao thông đếm ngược.

Ông Nguyễn Kiên Giang - Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, thành phố hiện có khoảng 1.200 chốt đèn tín hiệu giao thông. Trong đó, 216 nút lắp đặt tủ giao thông thông minh kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (ITS) để theo dõi, điều khiển từ xa.

bo-den-dem-nguoc-1720139615.jpg
TP. HCM đang thí điểm bỏ đếm ngược trên đèn giao thông

Đèn đếm ngược chỉ hoạt động khi vận hành tủ tín hiệu ở chế độ thiết lập cố định theo các giờ trong ngày, các ngày trong tuần và sẽ không hoạt động nếu lực lượng chức năng điều khiển thủ công hoặc khi bị điều khiển từ xa.

Thời gian qua, TP. HCM đã ứng dụng công nghệ trong giám sát, điều khiển giao thông, cho phép truyền tải dữ liệu thực tế từ các nút giao về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Từ dữ liệu này, trung tâm tính toán điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu phù hợp với lưu lượng xe thực tế.

Việc này khiến chu kỳ đèn tín hiệu giao thông thay đổi liên tục, ít nhất là theo từng khung giờ. Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng chu kỳ đèn thực tế không tương thích thời gian hiển thị trên bộ đèn đếm ngược, nghĩa là có hiện tượng nhảy sai thời lượng. Qua thực tiễn đó, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP. HCM đề xuất thí điểm bỏ đèn giao thông đếm ngược tại một số giao lộ.

Thông qua hệ thống camera giám sát, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM ghi nhận ít xảy ra các trường hợp va chạm trong thời gian chuyển pha tại các nút giao đang thí điểm bỏ đèn giao thông đếm ngược, đồng thời phương tiện lưu thông ổn định, không xảy ra ùn tắc cục bộ tại khu vực giao lộ, tình trạng bấm còi xe hối thúc giảm rõ rệt khi dừng chờ đèn đỏ.

Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải cho rằng đây chỉ mới đang thí điểm. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá các số liệu được ghi nhận qua hệ thống camera giám sát tại các giao lộ. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm của các nước và ý kiến của các chuyên gia giao thông để có tính toán thêm các phương án cảnh báo phù hợp nhất.

Trước mắt, Sở đang cân nhắc phương án bỏ đèn đếm ngược ở pha đèn đỏ. Theo đó, người dừng chờ đèn đỏ sẽ không thấy số đếm ngược, phải khi đèn chuyển xanh thì thời gian đếm ngược mới lại chạy.

Chuyên gia cho rằng bỏ là đúng

PGS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức) cho rằng, việc bỏ đèn giao thông đếm ngược là cần thực hiện ngay ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM...

Như tại TP. HCM, các giao lộ có đặc điểm lượng xe cộ đông đúc, ùn tắc thường xuyên xảy ra. Lâu nay, đèn giao thông đếm ngược đã rất quen thuộc với người dân, vô tình kích thích một số hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, cố tăng ga qua đèn vàng... để không phải chờ đợi lâu. Từ đó dẫn tới nguy cơ va chạm giao thông, xung đột với dòng xe ở hướng ngược lại (đang đèn xanh).

bo-den-dem-nguoc-1-1720139615.jpg
Vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc có nên bỏ đếm ngược thời gian ở đèn giao thông

Theo PGS Vũ Anh Tuấn, bỏ đèn đếm ngược khó xảy ra chuyện người đi đường bị bất ngờ hay dừng đột ngột dẫn đến va chạm giao thông. Bởi trong tổ chức đèn tín hiệu giao thông có ba đèn xanh, đỏ, vàng, nếu một hướng vào có đèn xanh thì các hướng còn lại phải dừng chờ. Ngoài ra, đèn xanh chuyển sang đỏ còn có 3 giây đèn vàng báo hiệu cho các xe giảm tốc độ, điều chỉnh hành vi. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, 3 giây là phù hợp vì tốc độ khi vào nút giao tối đa là 50km/h.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng đồng tình bỏ đồng hồ đếm ngược thời gian trên đèn tín hiệu giao thông.

Thí điểm của TP. HCM giúp có cái nhìn tổng thể để thấy áp dụng đồng hồ đếm ngược hiện nay có những mặt tích cực và tiêu cực gì để điều chỉnh cho phù hợp. Khi bỏ đồng hồ đếm ngược, lái xe không cần quan tâm đến điều gì khác ngoài đèn tín hiệu “đỏ - xanh - vàng”, từ đó có hành vi ứng xử cho phù hợp là an toàn.

Bỏ đèn đếm ngược dễ thắng gấp, còn tăng khí thải

Cùng với sự đồng tình thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ đèn đếm ngược vì người tham gia giao thông dễ bị thắng gấp, gây nguy hiểm.

Kỹ sư giao thông Trần Văn Tường cho hay, đèn tín hiệu đếm ngược có chức năng cảnh báo, báo hiệu khoảng thời gian còn lại để người lái xe chủ động xử lý tình huống phù hợp. Đây còn là biện pháp an toàn giao thông, giảm điều tiết giao thông thủ công.

Nếu bỏ đếm ngược ở đèn xanh hay đỏ sẽ xảy ra tình huống đột ngột chuyển đèn tín hiệu dẫn đến tình huống lái xe thắng gấp khi đèn chuyển sang đỏ dễ gây nguy hiểm. Người phía sau chưa sẵn sàng xử lý tình huống bất ngờ dẫn đến va chạm tông vào đuôi xe trước.

Đèn đếm ngược còn có tác dụng để người lái xe kiểm soát thời gian, có thể tắt máy xe dừng chờ đèn tín hiệu chuyển sang xanh. TP. HCM có hàng triệu xe cộ đi lại mỗi ngày, phần lớn là xe hai bánh. Tại đô thị có rất nhiều nút giao có thời lượng đèn đỏ phổ biến từ 30 giây đến 80 giây, thậm chí có nơi lên đến 120 giây như nút giao An Phú (TP. Thủ Đức). Bỏ đếm ngược đèn đỏ, nhiều người sẽ nổ máy xe khi dừng chờ đèn tín hiệu, lãng phí nhiên liệu, gây tiếng ồn, xả lượng khí thải lớn.

Theo ông Trần Văn Tường, chưa thỏa đáng nếu bỏ đèn đếm ngược chỉ vì ngăn tình trạng tăng tốc vượt vài giây đèn xanh/vàng hoặc khi đang dừng đèn đỏ nhưng thấy chỉ còn vài giây thì cho xe chạy, người phía trước bị người phía sau bấm còi nhắc nhở.

Bỏ đèn đếm ngược và vi phạm giao thông là hai khái niệm cũng như nội dung hoàn toàn khác nhau, không đồng nhất. Mỗi bên đều có quy định pháp luật, công cụ chế tài và xử lý các vi phạm. Vấn đề là khâu thực thi pháp luật sao cho hiệu quả.