Nhiều ý kiến trái chiều quanh quy định cấm mang xe đạp gấp lên tàu điện

Quy định cấm mang xe đạp gấp lên tàu điện metro số 1 đang gây ra nhiều tranh cãi. Một số hành khách ủng hộ vì lo ngại không gian chung bị ảnh hưởng, trong khi nhiều người cho rằng, xe đạp gấp kết hợp tàu điện là giải pháp di chuyển hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Xe đạp gấp và tàu điện là kết hợp hoàn hảo

Sau 17 năm chờ đợi, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã chính thức vận hành từ ngày 22/12. Trong những ngày đầu hoạt động chính thức, lượng khách đi tàu khá đông, với trung bình khoảng 95.000 lượt/ngày.

Tuy nhiên, nhiều hành khách cũng bày tỏ bối tối khi không được mang xe đạp gấp nên tàu. Anh Nguyễn Văn Sơn (TP. Thủ Đức) cho biết, để bảo vệ môi trường, hành khách thường sử dụng xe đạp để đến ga tàu điện. Điều này tốt hơn so với việc dùng phương tiện cá nhân và phải gửi xe. Nếu lượng khách tăng, giải pháp là nối thêm toa tàu, chứ không nên yêu cầu người dân bỏ xe đạp gấp - điều này thật vô lý.

xe-dap-gap-1-1735448097.jpg
Những ngày đầu chính thức vận hành, metro số 1 phục vụ trung bình khoảng 95.000 lượt/ngày

Cùng quan điểm, anh Trần Văn Cường cho rằng, Nhà nước đang khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa thực sự thuận tiện để hành khách dễ dàng tiếp cận. Nhiều người làm việc gần các ga tàu nhưng nhà ở xa, dẫn đến khó khăn trong việc di chuyển.

Di chuyển bằng xe đạp gấp kết hợp với tàu điện sẽ là giải pháp hoàn hảo, nhất là khi số lượng tuyến tàu điện chưa đủ để kết nối toàn diện. Dù vậy cũng cần quy định rõ kích thước xe đạp gấp được phép mang lên tàu, tránh trường hợp xe cồng kềnh gây phiền toái cho hành khách khác.

Ngược lại, nhiều ý kiến lại ủng hộ việc cấm mang xe đạp gấp lên tàu điện. Chị Nguyễn Cẩm Linh cho rằng, cấm là hợp lý. Vào giờ cao điểm, tàu rất đông, xe đạp gấp dựng ở các cột nắm tay gây cản trở. Nếu có sự cố, va đập có thể gây nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nếu cho phép mang xe đạp gấp, thì không lý do gì lại cấm xe không gấp. Rồi thậm chí thùng bánh mỳ, thùng sơn, hay hàng hóa cũng được coi như phương tiện để mang lên tàu. Như vậy, không gian tàu sẽ rất lộn xộn.

Để dung hòa hai luồng ý kiến, một số người đề xuất nên cho phép mang xe đạp gấp lên tàu nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến không gian chung. Đồng thời, có thể áp dụng mức phí bổ sung đối với hành khách mang theo phương tiện cá nhân, do việc này chiếm diện tích khoang tàu.

Sẽ xem xét điều chỉnh

Về vấn đề này, Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị vận hành) cho biết, theo quy định hiện tại, hành khách chưa được phép mang các loại phương tiện cá nhân như xe đạp gấp, xe đạp thăng bằng, xe scooter, ván trượt lên tàu metro số 1. Bởi việc ưu tiên không gian cho hành khách trải nghiệm và đảm bảo an toàn cho mọi người trên tàu được đặt lên hàng đầu.

xe-dap-gap-1735448097.jpg
Nhiều người cho rằng xe đạp gấp và tàu điện là kết hợp hoàn hảo

Dù vậy, đơn vị vận hành đang ghi nhận ý kiến từ người dân để cập nhật nội quy, đảm bảo phù hợp với yêu cầu an toàn trong vận hành. Sắp tới, quy định về việc mang xe đạp gấp lên tàu sẽ được xem xét điều chỉnh, dựa trên nhu cầu thực tế và góp ý từ người dân. Các hành lý mang lên tàu cũng cần có kích thước phù hợp, được đóng gói gọn gàng, không gây cản trở lối đi. Metro khuyến khích hành khách sử dụng hành lý nhỏ gọn để việc di chuyển được thuận tiện hơn.

Metro luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho mọi hành khách, bao gồm người khuyết tật, người cao tuổi và gia đình có trẻ nhỏ. Các lối đi và thang máy được thiết kế ưu tiên hỗ trợ xe lăn, xe đẩy và đội ngũ nhân viên metro luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Hiện tại, dù chưa được phép mang xe đạp lên tàu metro số 1, người dân có thể gửi xe tại 10 bãi giữ xe (sức chứa khoảng 500 xe máy) bên dưới các nhà ga trên cao. Các bãi xe bổ sung đã được xây dựng tại ga Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long và Bình Thái. Riêng khu vực ga Suối Tiên (trước bến xe Miền Đông mới) có thể tận dụng thêm bãi giữ xe của bến xe này.

Tranh cãi về việc mang xe đạp gấp lên tàu cũng từng xảy ra khi tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đi vào vận hành. Sau khi tiếp thu và khảo sát ý kiến của người dân, đơn vị vận hành đã cho phép người dân đưa xe đạp lên tàu với điều kiện phải gấp lại và không ảnh hưởng đến những hành khách khác.

Anh Nguyễn Văn Thiên (quận Hà Đông) cho biết, khi còn quy định không được phép mang hàng hóa nói chung và xe đạp nói riêng lên tàu, số lượng người lựa chọn tàu Cát Linh - Hà Đông di chuyển không nhiều do những bất tiện về việc không có nhiều tuyến xe buýt để đi từ nhà ga tới các địa điểm khác. Từ lúc tàu cho phép mang xe đạp gấp, anh đã mua vé tháng để di chuyển tới nơi làm.

Anh Phạm Văn Minh (trú tại quận Hà Đông) cũng đã chuyển từ sử dụng xe máy sang lựa chọn kết hợp xe đạp gấp với tàu điện làm phương tiện di chuyển chính. Anh Minh cho biết, chiếc xe đạp gấp của anh nặng khoảng 10kg, tháo lắp rất đơn giản chỉ với vài thao tác cơ bản. Mỗi ngày, anh thấy nhiều hành khách khác cũng mang xe đạp gấp lên tàu, và tất cả đều có ý thức gấp gọn xe để nhường không gian cho những hành khách xung quanh.