NHNN sẽ "mạnh tay" với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tín dụng từ đầu năm cho các ngân hàng thương mại, đơn vị nào không cho vay được hết sẽ chuyển sang cho ngân hàng khác.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024. Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 14/6, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ghi nhận 3,79% so với cuối năm 2023, tốc độ cải thiện dần qua các tháng.

Quan điểm quyết liệt của nhà điều hành

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho biết, tại một số địa phương tăng trưởng còn thấp, có những tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp hơn mức chung, thậm chí âm. Do đó, sẽ điều chuyển chi tiêu của những ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những đơn vị có khả năng phát triển hơn.

Nguyên nhân do khác với mọi năm, NHNN giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm 2024, ước tính có khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ được “bơm” vào nền kinh tế. Theo NHNN, việc giao chỉ tiêu 1 lần  được xem là biện pháp thúc đẩy nền kinh tế thông qua tín dụng do dự báo khó khăn chung của nền kinh tế cả trong nước và quốc tế vẫn còn tiếp diễn.

NHNN cũng lưu ý, vốn tín dụng giao từ đầu năm phải được cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng, không dồn hết vào doanh nghiệp sân sau, hệ sinh thái của ngân hàng trong khi lĩnh vực khác của nền kinh tế lại không được quan tâm. Vì vậy, NHNN sẽ tăng cường giám sát dòng vốn của các ngân hàng trong năm 2024. Điều này thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn cơ chế xin cho trong việc cấp hạn mức tín dụng.

han-muc-tin-dung-1718873575.jpeg
NHNN sẽ điều chuyển chi tiêu của những ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những đơn vị có khả năng phát triển hơn

Trước đó, yêu cầu của Thủ tướng đến hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6%, cả năm đạt 15 - 16% theo mục tiêu đề ra. Để đạt được mục tiêu trên, NHNN cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định lãi suất, giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong trường hợp cần thiết để đảm bảo nguồn vốn cho vay.

Đồng thời, cơ quan quản lý cũng sẽ  khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 đảm bảo hiệu lực thi hành Luật từ 1/7. Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN cần nghiên cứu xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chưa thể thực hiện được yêu cầu này.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, do đặc thù kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn ngân hàng, đến nay vẫn chưa thể thay đổi. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế là rất lớn đối với hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản.

Do đó, nếu để ngân hàng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011. Ngoài ra, NHNN lo ngại điều này tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và rủi ro bất ổn vĩ mô, lạm phát.

Tín dụng bất động sản tăng trưởng chậm chạp

Báo cáo kết quả tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2024, Vietcombank cho biết, tính đến hết 17/6 ngân hàng ghi nhận mức tăng 2,1%, tương đương 29.000 tỉ đồng. Dự kiến đến hết 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 4,3%, 30/9 là 9,2% và cả năm ở mức 12%.

Trong khi đó, đến tháng tháng 5, tăng trưởng tín dụng của Agribank ở mức 1,24%. Ngân hàng cam kết tăng trưởng tín dụng đến cuối quý II sẽ lên mức 2,5% và đến 31/12 là 8,5%. BIDV ghi nhận kết quả tích cực hơn khi tín dụng đến hết 17/6 tăng 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ so với cuối năm 2023. 

tong-giam-doc-mb-pham-nhu-anh-1718875003.jpg
Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh

Trao đổi bên lề hội nghị ngành ngân hàng, ông Phạm Như Ánh – Tổng giám đốc MB cho biết, tình hình tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản khá chậm chạp trong 6 tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến mức thu nhập của người dân, trong khi giá nhà đang ở mức cao nên nhu cầu mua nhà, chuyển đổi nhà trong 6 tháng đầu năm khá chậm. Điều này kéo theo tín dụng bán lẻ ở các ngân hàng bị ảnh hưởng, trong đó có MB. Trong khi đây lại là lĩnh vực được xác định là trọng tâm.

Đối với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, còn khó khăn hơn cả bởi lượng khách du lịch mới chỉ phục hồi một phần nhưng lượng cung của phân khúc này quá lớn, tỷ lệ hấp thụ không cao. Tương tự, cho vay bất động sản nhà ở cũng không khả quan hơn khi câu chuyện pháp lý vẫn là điểm nghẽn trong nhiều năm qua, dù có nhiều động thái tác động nhưng cũng chỉ tháo gỡ được 1 phần.

Ông Ánh kỳ vọng sau khi các luật có hiệu lực, nhóm bất động sản nhà ở sẽ khởi sắc hơn, tạo hiệu ứng chung cho thị trường bất động sản, người dân sẽ mua nhà, đổi nhà kéo theo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ tốt hơn.

Trong 4 lĩnh vực cho vay bất động sản, nhóm khu công nghiệp được đánh giá là điểm sáng duy nhất trong 6 tháng đầu năm khi các dự án khu công nghiệp được tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý, hưởng lợi từ làn sóng FDI. NHNN cũng hạ hệ số rủi ro phân khúc này từ 200% xuống 160%, khuyến khích ngân hàng cho vay.