Nhức nhối nạn lừa đảo giả mạo ứng dụng ngân hàng và nguy cơ từ các nhóm tư vấn sức khỏe mạng xã hội

Trong tuần qua (từ 21/10 đến 27/10), không gian mạng Việt Nam ghi nhận các hình thức lừa đảo phổ biến bao gồm lừa đảo từ thiện, kêu gọi quyên góp để chiếm đoạt tài sản, giả mạo ứng dụng ngân hàng để chiếm quyền điều khiển thiết bị, nhức nhối các nhóm “tư vấn sức khỏe” trên mạng xã hội…

Thông tin vừa được phát đi bởi Cục an toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, các thủ đoạn lừa đảo mạng tuần qua trên không gian internet Việt Nam ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều chiêu trò đã cũ nhưng được làm mới với các nội dung “thuyết phục”, khiến nhiều người dân có thể bị sập bẫy. Một số thủ đoạn lừa đảo nổi trội được Cục đặc biệt lưu ý bao gồm:

Đầu tiên là hình thức lừa đảo sử dụng các ứng dụng ngân hàng giả mạo để chiếm quyền điều khiển thiết bị của nạn nhân. Cục An toàn thông tin cho biết, với hình thức lừa đảo này, các đối tượng thường dùng chiêu trò tạo lập các trang web, ứng dụng, mạng xã hội có giao diện giống với tổ chức, ngân hàng, tài chính, đơn vị trung gian thanh toán…

Thông qua các kênh khác nhau như chạy quảng cáo, giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện thoại, nhắn tin… chúng sẽ tìm cách tiếp cận các nạn nhân sau đó thực hiện các kịch bản lừa đảo tiếp theo. Các kịch bản này được tùy biến để phù hợp với mục tiêu nhắm tới: mời nâng cấp thẻ tín dụng, vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp, thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch bất ngờ, yêu cầu cập nhật sinh trắc học…. Quá trình này, bằng nhiều phương thức khác nhau, chúng sẽ thao túng nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp các thông tin đăng nhập, mật khẩu, mã OTP xác thực….

lua-dao-ung-dung-ngan-hang-1730108300.jpg
Tình trạng lừa đảo các ứng dụng ngân hàng giả mạo khiến nhiều người bị cài cắm mã độc, bị chiếm quyền điều khiển thiết bị.

Cục đặc biệt lưu ý người dân về thủ đoạn dẫn dụ cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại. Các ứng dụng này đều đã bị cài cắm mã độc, sau đó sẽ tiến hành xâm nhập vào thiết bị, chiếm quyền điều khiển, thực hiện đánh cắp tiền trong tài khoản của nạn nhân….

Với thủ đoạn lừa đảo này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân, nên cẩn trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng chưa xác định được danh tính.Đặc biệt, không cung cấp các thông tin nhạy cam cá nhân như số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu….

Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng thông báo cho lực lượng chức năng, cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Hình thức  lừa đảo thứ hai gây nhức nhối không gian mạng Việt Nam tuần qua là sự có mặt của các hội nhóm “tư vấn sức khỏe” trên mạng xã hội. Dẫn chứng cho thủ đoạn này, Cục An toàn thông tin cho biết, bà D.N.L ở TP.HCM bị bệnh xương khớp lâu năm và có tham gia một số nhóm kín về tư vấn sức khỏe đê giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm điêu tị bệnh. Khi thấy trên nhóm có bai quảng cáo sản phẩm thuốc đông y, cam kết 100% hiệu qua, bà đã mua về và sử dụng. Tuy nhiên, khi sản phẩm nhận về có hơi khác, bà đã đến phòng mạch để hỏi bác sĩ thì được cho biết thuốc này hoàn toàn không trị bệnh khớp.

tu-van-suc-khoe-mxh-1730108395.jpg
Các nhóm tư vấn sức khỏe mạng xã hội có thể bị lợi dụng để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc khiến các nạn nhân tiền mất tật mang.

Hiện tượng lừa đảo này không phải mới. Trước đó, các hình thức quảng cáo bán thuốc đông y “ba đời” đã được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo tới người tiêu dùng trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay với việc lập, tham gia các hội nhóm mà thành viên là những người có nhu cầu trực tiếp về chữa bệnh, các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng dẫn dụ hơn. Chúng sẽ tung ra các ưu đãi như được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm và được bảo hiểm hoàn trr 80% tiền thuốc đã điều trị. Chúng cũng sẽ chia sẻ trao đổi những thông tin, video  có sử dụng hình ảnh của các y bác sĩ để mô tả và tư vấn hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế, một nhân chứng sống… để người xem dễ dàng tin tưởng. Sau khi nạn nhân đặt mua hàng, thanh toán tiền cũng là lúc các  đối tượng lừa đảo “lặn mất tăm”.

Cuối cùng, đáng chú ý trong không gian mạng tuần qua là lừa đảo từ thiện, kêu gọi quyên góp ủng hộ để chiếm đoạt tài sản. Theo Cục An toàn thông tin, lợi dụng vụ cháy chùa Vạn Phật (TP.Pleiku) diễn ra vào chiều 22/9, một số kẻ lừa đảo đã lập các trang web mang tên chùa để kêu gọi quyên góp nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Thậm chí, khi một số người biết chuyện phát hiện, vào bình luận nhưng lại bị các đối tượng xóa và chặn, không cho truy cập các website, fanpage giả mạo này.

Cục An toàn thông tin cho hay, người dân cần tìm hiểu kỹ về các tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của các vụ việc được cung cấp. Với những người có tinh thần chia sẻ, ủng hộ nên gửi gắm cho các tổ chưc uy tín để lòng tốt đến được đúng nơi, đúng chốn và đúng người.