Kiến nghị bỏ mua bảo hiểm xe máy bắt buộc vì quy trình chi trả khó khăn

Mặc dù bảo hiểm xe máy được coi là giấy tờ cần thiết, nhưng thực tế nhiều người không tin tưởng vào khả năng chi trả bồi thường khi gặp sự cố. Điều này đã tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ.

Bất cập của bảo hiểm xe máy bắt buộc

Mới đây, cử tri TP. HCM đã có kiến nghị bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy gửi Ban dân nguyện của Quốc hội. Theo các cử tri, bảo hiểm xe máy vẫn được coi là giấy tờ bắt buộc khi người dân tham gia lưu thông bằng xe máy. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người chỉ mua bảo hiểm này nhằm đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông, mà không thực sự chú trọng đến quyền lợi của mình. Do đó nên điều chỉnh việc mua bảo hiểm xe máy thành hình thức tự nguyện, không bắt buộc.

Trước đó, liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy, cử tri tỉnh Quảng Trị đã phản ánh nhiều bất cập trong thực thi chính sách. Nhiều người cho rằng, quy trình yêu cầu chi trả bảo hiểm gặp khó khăn khiến quyền lợi của họ không được thực hiện đầy đủ, với tỷ lệ chi trả bảo hiểm rất thấp.

bao-hiem-xe-may-1729235536.jpg
Điểm bán bảo hiểm xe máy tràn lan trên đường

Cử tri đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm đơn giản hóa thủ tục để thuận lợi hơn cho người dân trong việc giải quyết bồi thường. Tương tự, cử tri tỉnh Nghệ An cũng phản ánh tình trạng bán bảo hiểm ô tô và xe máy tràn lan, trong khi thủ tục chi trả bồi thường lại rất phức tạp.

Trong khi đó, cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị các cơ quan chức năng cần cải thiện quy trình giải quyết thủ tục bảo hiểm xe cơ giới sau tai nạn vì hiện nay quy trình này gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc cho người dân.

Phản hồi kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã quy định bảo hiểm bắt buộc, bao gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giao Chính phủ quy định chi tiết về các điều kiện, mức phí và số tiền bảo hiểm tối thiểu.

Ngày 6/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67 về bảo hiểm bắt buộc, trong đó yêu cầu giấy chứng nhận bảo hiểm phải có đầy đủ thông tin như tên, địa chỉ và số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm. Nghị định cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải quyết quyền lợi cho khách hàng, bao gồm việc duy trì đường dây nóng hoạt động 24/7 để kịp thời tiếp nhận thông tin và hỗ trợ chủ xe.

Khi có tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn chủ xe trong vòng một giờ về hồ sơ bồi thường và tổ chức giám định trong vòng 24 giờ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tạm ứng bồi thường trong vòng 3 ngày làm việc cho những thiệt hại liên quan đến sức khỏe và tính mạng.

bao-hiem-xe-may-1-1729235536.png
Cử tri nhiều tỉnh thành kiến nghị bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy

Rắc rối quy trình bồi thường

Với những quy định trên, Bộ Tài chính cam kết giám sát việc tuân thủ để đảm bảo hiệu quả của chế độ bảo hiểm. Đồng thời, Bộ sẽ tổng kết và đánh giá để có thể điều chỉnh chính sách nếu cần thiết.

Tuy nhiên thực tế ghi nhận, các thủ tục liên quan đến bồi thường vẫn rất rắc rối. Anh Trịnh Văn An (Hà Nội) chia sẻ, anh chỉ mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy để tránh bị phạt khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, chứ không kỳ vọng vào việc nhận bồi thường, vì anh đã từng trải qua sự cố. Vào năm 2023, anh đã va chạm với một cụ ông khi cụ băng qua đường. Khi tai nạn xảy ra, anh lập tức gọi điện cho công ty bảo hiểm, và nhân viên yêu cầu anh giữ nguyên hiện trường để chờ họ đến xác nhận.

Tuy nhiên, phải đến một tiếng sau, nhân viên bảo hiểm mới có mặt. Khi đó, anh đã phải di chuyển xe vào lề để tránh ùn tắc và đưa cụ ông đi cấp cứu. Sau đó, quy trình bồi thường cũng rất phức tạp, khiến anh quyết định tự bỏ tiền túi để bồi thường chi phí thuốc thang cho nạn nhân.

Các chuyên gia cho rằng cần phải có những biện pháp đột phá để phá vỡ vòng luẩn quẩn "mua bảo hiểm mà không tin bảo hiểm", từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ trong 3 quý đầu năm 2024 ước đạt hơn 58.500 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng với bảo hiểm bắt buộc xe máy, dữ liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy nửa đầu năm 2024, doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng. Trung bình trong những năm gần đây, các doanh nghiệp thu về tổng cộng khoảng 4.000 tỷ đồng, với tỷ lệ bồi thường chỉ dao động từ 10 - 20%, không tương xứng với nhu cầu và thiệt hại thực tế từ tai nạn giao thông.

Bảo hiểm xe máy đang là "miếng bánh hấp dẫn" trong bối cảnh Việt Nam có tỷ lệ người dùng xe máy cao nhất Đông Nam Á, với gần 73% (theo Seasia Stats). Trong suốt một thập kỷ qua, trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 người chết và hơn 15.200 người bị thương do tai nạn giao thông, theo dữ liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Khi sự cố xảy ra, không phải ai cũng có khả năng bồi thường cho nạn nhân, và có người còn chối bỏ trách nhiệm. Đây chính là lúc bảo hiểm xe máy cần phát huy vai trò hỗ trợ bồi thường.

Lãnh đạo một công ty chuyên về công nghệ bảo hiểm cho biết, chuyển đổi số là giải pháp giúp người dân thuận tiện hơn trong việc mua bảo hiểm bắt buộc xe máy cũng như giải quyết quyền lợi bồi thường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn tập trung vào việc bán bảo hiểm mà chưa chú trọng đến quy trình bồi thường.