Những suất ăn từ thiện giúp người nghèo vượt qua khó khăn

Chị Trần Huyền Trân cho biết, đây là năm thứ 2 gia đình chị nấu các suất ăn từ thiện vào tháng 7. Cả nhà chị đã cùng nhau nấu hơn 20 suất cơm để tặng người khó khăn. Mẹ chị là người nấu chính, bố chị phụ giúp các việc lặt vặt. Còn chị và chồng phụ trách đi trao phần cơm yêu thương này.

Tại TP. HCM, việc tặng những suất ăn từ thiện 0 đồng đã không còn xa lạ, nhất là tại các bệnh viện lớn. Hoạt động tặng suất ăn này thường được các tổ chức, hội nhóm từ thiện thực hiện. Tuy nhiên, trong tháng 7 âm lịch này, nhiều gia đình cũng phát tâm nấu cơm từ thiện để tặng những người còn khó khăn.

Chị Trần Huyền Trân (ngụ quận 8, TP. HCM) cho biết, đây là năm thứ 2 gia đình chị nấu các suất ăn từ thiện vào tháng 7. Cả nhà chị đã cùng nhau nấu hơn 20 suất cơm để tặng người khó khăn.

Chị Trân chia sẻ, dù rất bận rộn nhưng gia đình chị vẫn cố gắng tập trung nhau vào cuối tuần để nấu ăn. Mẹ chị là người nấu chính, bố chị phụ giúp các việc lặt vặt. Còn chị và chồng phụ trách đi trao phần cơm yêu thương này. Mỗi hộp cơm còn có kèm theo nước hoa quả cho bà con. Vợ chồng chị thấy ai bán buôn ngoài đường cực quá thì dừng lại tặng một suất ăn.

tang-qua-1-1724129203.jpg
Bánh miễn phí được một cửa hàng đặt gọn gàng trước cửa (Ảnh: An Vi/Tuổi trẻ)

Cũng giống như gia đình chị Trân, vợ chồng anh Đinh Văn Mạnh (quận 5, TP. HCM) chỉ nấu suất ăn từ thiện vào tháng 7. Anh Mạnh bảo, tháng 7 hiếu ân nên vợ chồng anh chú tâm làm từ thiện nhiều hơn. Vợ chồng anh vốn quen biết với một người trong nhóm nấu cơm từ thiện phát tại các bệnh viện, nên cũng hay đóng góp qua đây. Chỉ riêng thời điểm này trong năm, vợ chồng anh muốn tự tay thực hiện hành động ý nghĩa này.

Ngoài các gia đình tự phát nấu cơm từ thiện, nhiều cửa hàng ở TP. HCM cũng hoạt động từ thiện theo cách “hàng quán bán gì tặng nấy”. Tại đường Bắc Hải (quận 10, TP.HCM), một tiệm bánh ngọt đặt trước cửa chiếc nhỏ, bên trên xếp chỉn chu những chiếc bánh ngọt đã được gói sẵn vào từng bịch cùng chai nước suối với dòng chữ giản đơn: "Phát bánh miễn phí".

Lo lắng người dân ngại không dám lấy, chủ quán còn cử nhân viên đứng mời bà con lấy bánh. Chị chủ quán chia sẻ, bánh tự làm nên chỉ tốn nguyên liệu, lấy công phục vụ bà con làm niềm vui.

Thấy dòng chữ “Phát bánh miễn phí”, bà Nguyễn Thị Lan (63 tuổi) dừng lại, rồi ngượng ngùng hỏi xin một phần. Nhân viên của quán vui vẻ lấy từ bàn đưa cho bà. Bà Lan cho biết, đi nhặt ve chai qua đây, thấy biển miễn phí bà mới dán dừng lại hỏi. Bà xin phần bánh này về cho cháu.

Gia cảnh khó khăn, chỉ có 2 bà cháu nương tựa nhau. Thu nhập từ nhặt ve chai chỉ đủ trang trải sinh hoạt cơ bản của 2 bà cháu. Do đó, cháu bà ít khi được ăn bánh. Nghe bà chia sẻ, nhân viên đã lấy thêm bánh để tặng bà Lan.

tang-qua-1724129096.jpg
Người dân xếp hàng đi nhận quà tặng từ thiện

Ông Phạm Văn Trường (61 tuổi, quê Tiền Giang, đang trọ quận 5) ngoài nước uống, suất ăn, ông còn được nhận gạo, gia vị… miễn phí. Ông vui vẻ cho hay, những đồ được tặng sẽ giúp ông tiết kiệm được kha khá. Khác với suất ăn, gạo và gia vị có thể dành được để dùng dần.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hậu (Đồng Nai) đi chăm người nhà tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mấy ngày nay ông đã tiết kiệm được nhiều tiền ăn vì cả ngày nhận suất cơm từ thiện. Buổi sáng, ông nhận bánh mì của một nhóm thiện nguyện, trưa cũng có một đoàn tới cho cơm chay, chiều lại có một đoàn nữa.

Ông Hậu bảo, dù nói là cơm từ thiện nhưng rất ngon, gồm canh rau ngót, gỏi chay, đậu hũ kho, kèm theo chuối ăn tráng miệng. Phần cơm miễn phí này còn chất lượng hơn nhiều phần ông mua ngoài tiệm giá 30.000 đồng.

Thời điểm này, nhiều ngôi chùa tại TP. HCM bên cạnh làm lễ Vu Lan báo hiếu thì còn có các hoạt động từ thiện hỗ trợ người còn khó khăn. Như chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) đã trao tặng 500 phần quà từ thiện gồm 300.000 đồng tiền mặt, 10kg gạo, thùng mì, dầu ăn tới người dân. Hay chùa Ấn Quang (quận 10) cũng đã trao tặng 1.000 phần quà đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.