Làm ngày làm đêm
Sau hơn 10 năm làm công nhân may tại TP. HCM, chị Lê Thị Thu (36 tuổi) mỗi năm đều nghe nói đến việc tăng lương tối thiểu, nhưng chị ít quan tâm vì dù có tăng, mức lương vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống. Chị thuê một phòng trọ tại quận 7 với giá 3,5 triệu đồng/tháng - mức thấp nhất chị có thể tìm được. Cộng thêm chi phí sinh hoạt, điện nước, gia đình chị mỗi tháng phải chi khoảng 14 triệu đồng.
Chị Thu cho biết, đó là khi mọi thứ diễn ra bình thường, không có ai ốm đau hay chủ nhà không thông báo tăng giá phòng hay tiền điện nước. May mắn, dù không có hộ khẩu thành phố, con trai chị vẫn được học ở trường công lập, nên chi phí học hành đỡ hơn.

Chi phí sinh hoạt không ngừng tăng trong khi mức lương tối thiểu vùng ở TP. HCM vẫn chỉ khoảng 4,96 triệu đồng, dù đã qua nhiều lần điều chỉnh. Mức lương này đã bị hai vợ chồng chị Thu vượt qua, nhưng cộng lại cũng vẫn không đủ để duy trì cuộc sống gia đình cơ bản.
Anh Huỳnh Thế Kiệt - công nhân một khu công nghiệp tại TP. Thủ Đức (TP. HCM) thường rời khỏi nhà trọ lúc 7h sáng để đến công ty. Công việc chính của anh là đứng máy trong xưởng, làm 8 giờ mỗi ngày và có thể tăng ca lên đến 12 giờ.
Anh Kiệt cho biết, dù làm việc nhiều như vậy nhưng thu nhập chỉ đạt 6,2 triệu đồng. Số lương đó không đủ để nuôi vợ và hai con nhỏ. Vì vậy, sau giờ làm, anh không về nhà ngay mà đến quán ăn gần Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức để làm phục vụ từ 7 giờ tối đến nửa đêm.
Anh Kiệt bảo, mệt thì mệt thật, nhưng không làm thì lấy gì nuôi con? Tiền nhà, tiền ăn uống, chi phí cuộc sống… mỗi tháng ngốn hết cả chục triệu đồng. Vợ anh cũng đi làm công nhân, nhưng hai vợ chồng chật vật lắm mới đủ sống.
Tương tự, chị Trần Thu Trang (quận Tân Bình, TP. HCM) ban ngày làm công nhân may, tối về lại tranh thủ bán hàng online. Chị cho biết, bán hàng không lời nhiều nhưng có đồng ra đồng vào, tích tiểu thành đại. Mỗi ngày chị chỉ ngủ 4 - 5 tiếng. Chị phải cố gắng thêm vài năm nữa, gom được chút vốn mở tiệm tạp hóa nhỏ để đỡ vất vả hơn.
Dù cuộc sống khó khăn, nhiều người vẫn chọn bám trụ lại thành phố, nhưng cũng có những người rời phố về quê. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đạt cũng từ Cà Mau lên TP. HCM tìm kiếm cơ hội nhưng sau 7 năm cố gắng, họ quyết định về quê sinh sống. Anh Đạt cho hay, trong điều kiện công việc ổn định thì mọi thứ không sao, nhưng mỗi khi có biến động kinh tế là gia đình anh lại gặp khó khăn.
Mỗi tháng, vợ chồng anh phải gửi về quê 6 triệu đồng để nuôi 2 con ở quê. Với hơn 12 triệu đồng tiền lương cơ bản của cả hai vợ chồng, mọi chi phí sinh hoạt phải được tính toán và chắt chiu từng khoản. Nếu không tăng ca, lương cơ bản của họ chỉ đủ để sống. Còn nếu tăng ca, họ mới có thể tiết kiệm được.
Sau dịch Covid-19, vợ chồng anh Đạt 2 lần mất việc bất ngờ. Dù đã về quê và quay lại thành phố, anh nhận thấy không thể ổn định cuộc sống lâu dài với mức lương thấp nên quyết định trở về quê sinh sống lâu dài. Anh Đạt cho biết, ở quê anh có đất trồng dừa, nuôi tôm, cua và bán thức ăn gia súc. Dù vất vả nhưng vẫn ổn hơn nhiều so với việc ở thành phố với mức lương ít ỏi, phải chờ đợi từng năm mới có sự thay đổi.
Theo anh, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, chi phí ở thành phố lại càng đắt đỏ. Việc cố gắng bám trụ lại thành phố với mức lương thấp có thể khiến cuộc sống trở nên bất ổn bất cứ lúc nào khi gặp phải khó khăn.

Bên cạnh kiếm tiền, cần phải quan tâm đến sức khỏe
Chuyên gia tâm lý Hồ Văn Đại - Trung tâm Tư vấn Tâm lý An Nam (TP. Thủ Đức) cho biết, chấp nhận làm hai, thậm chí ba công việc trong một ngày để mưu sinh không phải là chuyện hiếm gặp đối với người lao động hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh việc kiếm tiền, cần phải quan tâm đến sức khỏe. Bởi nếu cơ thể kiệt sức và bệnh tật ập đến, mọi cố gắng sẽ trở thành vô nghĩa.
Giải pháp dài hạn là tìm kiếm một công việc ổn định với thu nhập tốt hơn, hoặc học thêm các kỹ năng để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Sức khỏe luôn là tài sản quý giá nhất. Chạy đua với đồng tiền là cần thiết, nhưng đừng để bản thân gục ngã giữa đường. Khi có sức khỏe, chúng ta mới có thể tiếp tục lao động và tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đánh giá, mức sống hiện nay đã cao hơn và có nhiều thay đổi về bản chất, vì vậy việc tính toán mức sống tối thiểu cũng cần được cập nhật.
Ví dụ, ngày nay điện thoại thông minh đã trở thành một nhu cầu thiết yếu. Ngay cả công nhân cũng cần có một chiếc điện thoại trong túi. Chi phí cho thiết bị này cũng cần được tính vào rổ hàng hóa khi xác định mức sống tối thiểu. Nếu tính toán đầy đủ, mức sống tối thiểu hiện nay phải cao hơn đáng kể so với mức lương tối thiểu.
Mặc dù chưa hoàn toàn phản ánh đúng mức sống tối thiểu, lương tối thiểu vẫn được xác định là mức sàn, tức là mức thấp nhất trên thị trường lao động và người sử dụng lao động không được trả thấp hơn mức này.
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, để mức lương tối thiểu tiệm cận với mức lương đủ sống, hội đồng tiền lương cần có sự tham gia của một bên độc lập. Ông gợi ý rằng, trước đây có ba nhóm thành phần tham gia đàm phán lương, nhưng hiện nay nên bổ sung thêm nhóm các nhà khoa học để có những góc nhìn khách quan hơn. Nhóm này có thể đảm nhận việc tính toán, còn công tác thương lượng thì do các bên khác thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Thọ cho rằng, mỗi năm cần có nghiên cứu và khảo sát để nắm bắt sát sao với đời sống của người lao động. Khi xác định đúng mức sống tối thiểu, mức lương tối thiểu mới có thể bám sát với thực tế.