Nợ thuế đất của Hà Nội chiếm 50% khoản phải thu của toàn thành phố

Theo báo cáo của Cục thuế Hà Nội, số tiền nợ thuế liên quan đến đất 3 năm gần đây là 40.848 tỷ đồng, chiếm 50% khoản nợ phải thu trên toàn địa bàn thành phố.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội ngày 3/7, nhiều đại biểu đã nêu câu hỏi liên quan đến lĩnh vực đất đai, thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nôi.

Nợ liên quan đến đất có giá trị lớn

Trong đó, đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ Ba Vì) đã nêu, số tiền nợ thuế liên quan đến đất 3 năm gần đây của Hà Nội theo số liệu của Cục thuế là 40.848 tỉ đồng, chiếm 50% khoản nợ phải thu trên toàn địa bàn thành phố. Riêng các khoản nợ liên quan đến đất còn vướng mắc, chưa xử lý đến thời điểm cuối năm 2023 là 4.025 tỷ đồng.

Đây là khoản nợ thuộc các dự án đang có vướng mắc, chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, trong đó có trách nhiệm của Sở TN&MT. Cụ thể, quy trình triển khai tính giá đất còn chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Dẫn ví dụ cho nhận định này, đại biểu Trần Khánh Hưng đã chỉ ra một số dự án đang gặp vướng mắc như Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) giai đoạn 3, khu nhà ở Thạch Bàn Lakeside và một số dự án khác. Đồng thời đề nghị  Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết về hiện trạng các dự án chua có quyết định tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và giải pháp khắc phục.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Khánh Hưng, ông Lê Thanh Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại còn khoảng 65 dự án phải tính tiền liên quan đến thuê đất. Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tính được đối với 9 dự án, thu 4.200 tỉ đồng và đã được thành phố phê duyệt.

gia-doc-so-tnmt-le-thanh-nam-1720006732.jpg
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam

Trước đó, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, hạn chế, tồn tại trên địa bàn TP Hà Nội liên quan đến nợ thuế. Thanh tra Bộ tài chính cũng dẫn số liệu báo cáo của Cục thuế TP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số nợ thuế trên địa bàn là 23.424 tỉ đồng, chiếm 7,7% tổng số thực thu vào ngân sách Nhà nước năm 2022.

Trong đó, nợ thuế, phí gần 5.800 tỉ đồng; nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất là hơn 7.935 tỉ đồng; nợ tiền phạt, chậm nộp là gần 9.700 tỉ đồng; các khoản nợ khác hơn 10,2 tỉ đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất, có hơn 3.020 tỉ đồng là nợ tiền sử dụng đất, hơn 4.603 tỷ đồng nợ tiền thuê đất và tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là hơn 312 tỷ đồng.

Một số dự án có mức nợ cao đáng chú ý như Hòa Bình Green City (505 Minh Khai) nợ tiền sử dụng đất 193,6 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng khu thương mại - dịch vụ - nhà ở 1/5 (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) và khu đô thị mới Phú Lương lần lượt nợ 19,8 tỉ đồng và 200 tỉ đồng (chưa gồm phí chậm nộp).

Tại phiên chất vấn ngày 3/7, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, với chỉ tiêu giao năm 2024 của thành phố lớn hơn nhiều so với năm 2023, Sở sẽ thường xuyên phối hợp làm việc với các cơ quan tài chính, cam kết sẽ hoàn thành thu thuế đất, đảm bảo các chỉ tiêu ngân sách được giao.

du-an-hoang-van-thu-1720006674.jfif
Nhiều dự án gặp vướng mắc với việc tính giá đất dẫn đến chưa thể nộp tiền sử dụng đất

Có chuyện cấp vội, cấp ẩu dẫn đến xảy ra vi phạm

Cũng liên quan đến phạm vi quản lý của Sở TN&MT, đại biểu Trần Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) đã chất vấn thông tin về việc xử lý đơn tố cáo về sai phạm đất đai liên quan đến dự án khu đô thị Dương Nội và xử lý vi phạm về cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng trên đất nông nghiệp địa bàn quận Hà Đông.

Ông Lê Thanh Nam cho biết, về vấn đề cấp sổ đỏ đất nông nghiệp, những tồn tại này xảy ra trong giai đoạn các phường sáp nhập từ huyện Thanh Oai về quận Hà Đông, chủ yếu liên quan đến 5 phường Phú Lãm, Phú La, Phú Lương, Biên Giang và Đồng Mai.  

Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận, tại thời điểm bàn giao, có chuyện cấp vội, cấp ẩu dẫn đến xảy ra vi phạm, đã được Công an tỉnh Hà Tây (cũ) điều tra và xử lý hình sự. Tuy nhiên, một số vi phạm về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến những khiếu kiện kéo dài. Hiện, Sở TN&MT cùng với Thanh tra thành phố , các sở, ngành có liên quan cũng đã kiểm tra, đôn đốc và phân đoạn để tiếp tục xử lý.

Vấn đề ở Dương Nội, Sở đã có văn bản chỉ đạo, giao các ngành của thành phố và quận Hà Đông làm rõ một số vấn đề trong 6 nội dung mà tố cáo vi phạm đã nêu. Tất cả những nội dung này đều cần có thời gian xem xét, cân nhắc và xử lý cụ thể, đến nay đã giải quyết xong 3 nội dung.

Cụ thể, quận Hà Đông đã tham gia ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan đến xử lý tồn tại 2 ô trạm biến áp và trường mầm non; đang rà soát, thực hiện thu hồi đất trong các ô quy hoạch chưa thu hồi để quản lý theo quy định và xem xét đối với các trường hợp vi phạm tự chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xây dựng nhà ở hay xưởng sản xuất..