Nới điều kiện khoản vay dưới 100 triệu đồng: Mới chỉ giải quyết được khâu thủ tục

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quy định mới đối với khoản vay tiêu dùng dưới 100 triệu đồng, không cần lập phương án sử dụng vốn khả thi để người dân dễ tiếp cận vốn tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục chỉ là một phần trong những yếu tố cản trở người dân cận khoản vay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 12/2024 với 2 thay đổi quan trọng so với Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Cụ thể, một là khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng (TCTD) phải cung cấp thông tin cá nhân, tổ chức liên quan; thứ 2 là các khoản vay nhỏ (dưới 100 triệu đồng) khách hàng không bắt buộc phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

Đơn giản hóa thủ tục

Theo bà Nguyễn Phương Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), việc khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi, mà chỉ cần thông tin sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính với khoản vay dưới 100 triệu đồng sẽ kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng. Qua đó, người dân có thể tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trước đây, cho vay tiêu dùng thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ ở các TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại bởi đây là các khoản tiền nhỏ dùng để sinh hoạt hàng ngày, nhu cầu khám chữa bệnh, đóng học phí, cưới hỏi…

vay-tieu-dung-1721910251.jpg
Các khoản vay nhỏ (dưới 100 triệu đồng) khách hàng không bắt buộc phải cung cấp phương án sử dụng vốn

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với các khoản vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng như ABBank, Agribank, VPBank,… Ngay cả những ngân hàng như Vietcombank, VietinBank vốn chỉ tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp, nay cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê của NHNN, cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của toàn ngành, tương đương 2,9 - 3 triệu tỉ đồng. Trong đó, 16 TCTD có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn nhất đang triển khai tới 30 sản phẩm.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, nới điều kiện vay cho các khoản vay nhỏ dưới 100 triệu đồng, không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu của khách hàng cần tiền, vốn cấp bách mà còn hạn chế tín dụng đen, kích thích nhu cầu vay vốn nhiều hơn.

Nhất là trong bối cảnh, nhiều công ty tài chính đang gặp khó khăn về niềm tin, cách thức cho vay - đòi nợ thô bạo..., mạng lưới cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại sẽ khiến các doanh nghiệp này cải thiện để gia tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Vấn đề nằm ở lãi suất

Thực tế, cho vay tiêu dùng đang dần đáp ứng được nhu cầu đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, phần nào hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, tại một hội thảo liên quan đến tín dụng tiêu dùng mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đánh giá, hoạt động này vẫn còn những hạn chế.

Theo ông Sơn, năm 2023, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tiêu dùng có xu hướng suy giảm thì tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này lại có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 của tín dụng tiêu dùng ghi nhận 3,8% và đã nhích lên 4% trong những tháng đầu năm 2024. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% xuống 14,63% nhưng vẫn ở mức báo động.

vay-tieu-dung-1-1721910304.jpg
Lãi suất của các công ty tài chính neo ở mức cao khiến người dân e ngại

Nhiều công ty tài chính cho biết lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro cao. Khả năng thu hồi nợ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, từ phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Đức Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, quy định mới của NHNN chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục, trong khi vấn đề lớn để người dân muốn tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng là lãi suất.

Lãi suất của các khoản vay tiêu dùng hiện nay đang được các ngân hàng áp dụng khoảng 10%/năm, nhưng có ngân hàng ghi nhận mức 15-20%/năm. Riêng với công ty tài chính thì mức lãi suất này có thể bị đẩy lên quanh ngưỡng 35-45%/năm. Chẳng hạn tại Công ty TNHH MTV Mirae Asset, lãi suất cho vay tiền mặt từ 18 - 58%/năm; vay mua hàng trả góp có mức lãi suất từ 0 - 55%/năm.

Theo nhận xét của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay đang ở mức cao, khiến khách hàng ngại vay. Trong khi đó, thu nhập của người lao động có xu hướng giảm, dù có nhu cầu vay cũng cần tính toán đến khả năng chi trả. Do đó, để tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới, cần nhiều hơn biện pháp “nới thủ tục”, có thể giải quyết nhu cầu việc làm, hạ lãi suất…