Kích thích dòng kiều hối
Luật Nhà ở 2024 vừa có hiệu lực ngày 1/8 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều), được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Luật mới cũng thay khái niệm “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” bằng “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”; người định cư ở nước ngoài nhưng vẫn là công dân Việt Nam thì có quyền sử dụng đất và nghĩa vụ như cá nhân trong nước.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ bất động sản, lượng người tìm kiếm từ các nước trên thế giới về bất động sản ở Việt Nam khi kết thúc đại dịch đến nay liên tục tăng lên. Trung bình mỗi năm có khoảng 70 – 80 triệu lượt tìm kiếm mua nhà đất trong nước, trong đó có 5,1% lượt tìm kiếm từ nước ngoài.
Trong số Việt kiều tìm mua nhà đất trong nước thì lượng tìm kiếm từ Mỹ chiếm 22%, Singapore 11%, Úc 8%, Đức 6,3%, còn lại là các nước khác.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội năm 2023, cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có khoảng trên 5,3 triệu người đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng lượng kiều hối do bà con kiều bào chuyển về nước trong 30 năm qua ước đạt khoảng 200 tỷ USD; lượng kiều hối có giá trị bằng gần 80% nguồn vốn FDI trong 20 năm gần đây.
Tuy nhiên, lâu nay, Việt kiều muốn mua nhà đầu tư trong nước họ phải nhờ người khác đứng tên hộ, chấp nhận rủi ro có thể “mất trắng”. Do vậy, sự thay đổi về luật đã xử lý được vướng mắc pháp lý của nhóm chủ thể này, chắc chắn sẽ góp phần thu hút kiều bảo ủng hộ, đầu tư về Tổ quốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kiều hối và đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam.
Theo ông Lưu Quang Tiến – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services, chưa thể có lượng người mua là Việt kiều tăng đột biến trong ngắn hạn, song khi các văn bản hướng dẫn ban hành, nhóm chủ thể này có thể sẽ tăng mua bất động sản tại các dự án. Việt kiều được trực tiếp mua nhà sẽ giúp thị trường sôi động hơn khi nhu cầu tăng lên, bổ sung dòng tiền ngoại hối đổ về Việt Nam.
Vẫn cần thời gian thẩm thấu
Ông Mã Xuân Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu tư vấn đầu tư bất động sản TP. HCM cho biết, hiện nay, có nhiều công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước làm ăn, mong muốn được sở hữu nhà ở để thuận tiện sinh sống, làm tài sản. Tuy nhiên, dòng kiều hối đầu tư vào bất động sản trong nước chưa thể tăng nhanh ngay vì các quy định của luật vẫn cần khoảng 1 – 2 năm để đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) phân tích thêm, nội hàm quy định cho người gốc Việt được mua nhà đất trong nước khẳng định rất mạnh nhưng tham gia trên thực tế ra sao vẫn cần xem xét các quy định về mặt trình tự, thủ tục.
Lý giải thêm, ông Đính cho biết, trước đây Luật Nhà ở 2014 cũng đã có quy định cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại các dự án với tỷ lệ 30% tại một tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm thực thi luật, số người nước ngoài được đứng tên làm sổ hồng nhà ở vẫn rất ít.
Bàn về vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, không phải đến nay mới có quy định liên quan đến việc cho phép Việt kiều đầu tư bất động sản trong nước,nhưng khó khăn khi thực hiện các thủ tục, giấy tờ để chứng minh nguồn gốc Việt Nam phức tạp đã khiến Việt kiều nản lòng.
Điều này dẫn đến tình trạng, dù quy định cho phép Việt kiều mua bất động sản tại Việt Nam nhưng nhiều người phải ủy quyền cho người thân làm chủ sở hữu tài sản, đã có trường hợp người được nhờ đứng tên đem bán, trục lợi cá nhân, tiềm ẩn những tranh chấp, bất ổn trong xã hội.