Nước chung cư nhiễm bẩn: Nên giao cho đơn vị chuyên nghiệp vận hành

Sau vụ ngộ độc tập thể do bể nước chung cư nhiễm bẩn ở Nghệ An, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, việc vận hành và phân phối nước sinh hoạt nên được giao cho các đơn vị cung cấp nước chuyên nghiệp.

Hơn 80 người bị ngộ độc

Cuối tháng 9 vừa qua, người dân tại chung cư chung cư Golden City 3 (xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An) phản ánh, họ phát hiện nước máy sinh hoạt tại đây có sự thay đổi nhẹ về màu sắc và xuất hiện mùi khó chịu. Đến trưa ngày 25/9, nhiều người dân trong chung cư bắt đầu có các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng và buồn nôn. Một số người có tình trạng nghiêm trọng hơn, buộc phải nhập viện cấp cứu.

Ông Trần Đức Kỳ - Trưởng ban quản trị chung cư Golden City 3 cho biết, tòa nhà có 105 hộ dân với khoảng 400 cư dân sinh sống. Đã có hơn 80 người bị các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tụt huyết áp, trong đó 7 người phải nhập viện điều trị do tình trạng bệnh nặng.

ngo-doc-chung-cu-1728434347.jpg
Hơn 80 người tại chung cư Golden City 3 xuất hiện tình trạng ngộ độc

Ngay sau sự việc, Trung tâm Y tế thành phố Vinh đã tiến hành lấy mẫu nước từ bể chứa nước sinh hoạt của chung cư, từ một hộ gia đình trong chung cư và mẫu nước máy từ vòi cấp vào bể, sau đó gửi tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh để xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân.

Ngày 8/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước. Theo đó, các chỉ số nước máy từ vòi cấp vào bể chứa đều đạt chuẩn, không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, các mẫu nước từ bể chứa và từ hộ gia đình lại có nhiều chỉ số vượt quá giới hạn cho phép.

Cụ thể, chỉ số vi sinh vật Coliforms trong mẫu nước tại bể chứa đạt mức 395/100ml, trong khi giới hạn cho phép là dưới 3/100ml. Vi sinh vật E.Coli có kết quả 24, so với mức cho phép là dưới 1. Các chỉ số vi sinh vật khác như tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh lần lượt là 94 và 66, trong khi giới hạn cho phép chỉ là dưới 1.

Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân chính gây ra vụ ngộ độc là do nước bẩn từ bên ngoài ngấm vào bể chứa nước sinh hoạt khiến nguồn nước bị nhiễm nhiều vi sinh vật có hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Thế Tùng - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh cho biết, một trong hai bể chứa nước ngầm của chung cư bị nứt, dẫn đến việc nước bẩn từ ngoài thấm vào trong thời gian mưa lũ khiến nguồn nước bị nhiễm khuẩn. Hiện tại, bể chứa nước bị nứt đã được tạm ngưng sử dụng để chờ khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân. Sức khỏe của các cư dân cũng đã ổn định trở lại.

ngo-doc-chung-cu-1-1728434347.jpg
Nguyên nhân chính gây ra ngộ độc là do nước bẩn từ bên ngoài ngấm vào bể chứa nước sinh hoạt

Giao việc quản lý cho đơn vị cung cấp nước chuyên nghiệp

Hiện nay, hầu hết các chung cư trên cả nước đều sử dụng bể chứa để trữ nước cung cấp cho cư dân. Từ vụ việc trên cho thấy, nếu không thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra ngộ độc tập thể.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Hùng - Trường Đại học Xây dựng cho biết, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt, bao gồm cả các yếu tố từ hệ thống cấp nước trước và sau đồng hồ đo nước. Cấu trúc hệ thống cấp nước trong các tòa nhà chung cư và hộ gia đình rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là việc sử dụng bể chứa ngầm, hệ thống bơm và bể chứa trên mái.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Hùng nhấn mạnh, khi chất lượng nước gặp vấn đề, cần phải kiểm tra lại hệ thống lưu trữ và phân phối xem có các chất ô nhiễm từ bên ngoài xâm nhập hay không.

GS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Môi trường cho biết, hiện nay phần lớn các bể chứa nước được xây dựng bằng bê tông cốt thép, inox hoặc các tấm composit lắp ghép, còn đường ống dẫn nước thường làm bằng thép tráng kẽm hoặc ống PVC. Do đó, chất lượng của các công trình cấp nước phần lớn đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay nằm ở công tác quản lý và vận hành hệ thống.

Nhiều tòa nhà và hộ gia đình không thường xuyên thực hiện bảo dưỡng, kiểm tra chất lượng nước định kỳ hoặc vệ sinh bể chứa, đường ống nước. Điều này dẫn đến hiện tượng đóng cặn trong đường ống, phát triển màng vi sinh, thậm chí có xác côn trùng hoặc sinh vật chết. Những yếu tố này làm giảm chất lượng nước, đồng thời tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển, đặc biệt là sau những đợt dịch bệnh hoặc sau khi tiến hành sửa chữa.

Về vấn đề an toàn cấp nước tại các tòa nhà chung cư, GS.TS Nguyễn Việt Anh bày tỏ lo ngại khi nhiều hệ thống cấp nước không được quản lý bởi những người có chuyên môn. Ông cho biết, nhiều trường hợp, hệ thống cấp nước không được thau rửa định kỳ, không kiểm tra mẫu nước thường xuyên, dẫn đến nguy cơ tái nhiễm bẩn.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng chia sẻ trước đây, một số chung cư và khu đô thị đã bàn giao toàn bộ hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các đơn vị cung cấp nước chuyên nghiệp, giúp đảm bảo chất lượng nước cho người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tòa nhà giao cho Ban quản trị tự quản lý việc phân phối và cấp nước, dẫn đến tình trạng kiểm tra và đảm bảo chất lượng nước bị buông lỏng.

Ông Tiến nhấn mạnh, về lâu dài, việc vận hành và phân phối nước sinh hoạt nên được giao cho các đơn vị cung cấp nước chuyên nghiệp. Các ban quản lý tòa nhà không có hệ thống cảm biến, thiếu nhân lực và không đầu tư đầy đủ vào việc quản lý nước. Vì vậy, họ nên bàn giao việc này cho các đơn vị chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng nước tốt hơn.