Nvidia chuẩn bị đối mặt với các cáo buộc của cơ quan chống độc quyền tại Pháp

Nvidia đang phải đối diện với các cáo buộc của cơ quan quản lý chống độc quyền của Pháp vì vi phạm cạnh tranh. Đây là lần đầu tiên cơ quan thực thi pháp luật nước này có những hành động pháp lý chống lại nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới.

Trước đó, hồi tháng 9 năm ngoái, văn phòng của Nvidia cũng đã bị nhà chức trách Pháp “đột kích” khám xét và thu giữ chứng cứ không báo trước của công ty để điều tra về việc có vi phạm luật cạnh tranh hay không. Theo Reuters, các cuộc khám xét đột ngột là kết quả của cuộc điều tra mở rộng hơn về điện toán đám mây.

nvidia-1719881924.jpg

Nvidia chuẩn bị đối mặt với các cáo buộc của cơ quan chống độc quyền tại Pháp.

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới chuyên cung cấp chip cho cả trí tuệ nhân tạo và đồ họa máy tính khẳng định nhu cầu về chip tăng vọt kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào 2 năm trước. Sự chạy đua về trí tuệ nhân tạo gây ra không ít lo lắng cho các cơ quan quản lý, giám sát ở khắp nơi trên thế giới.

Tại Pháp, cơ quan chức năng đã có một số hành động để siết chặt việc quản lý các công ty công nghệ lớn, bao gồm Nnivia. Trong một hồ sơ nộp đi vào năm ngoái, Nvidia đã cho biết, các cơ quan quản lý tại Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Pháp đã yêu cầu thông tin về card đồ họa của mình.

Những người thạo tin trong lĩnh vực cho biết, Ủy ban châu Âu khó có thể mở rộng quá trình đánh giá sơ bộ vào thời điểm hiện tại vì Pháp cũng đang tập trung vào Nvidia. Trong báo cáo công bố tuần trước, cơ quan giám sát của Pháp đã nêu ra nguy cơ bị các nhà cung cấp chip lạm dụng, thể hiện lo ngại về sự phụ thuộc của ngành vào phần mềm lập trình chip CUDA của Nvidia. Đây là nền tảng cho phép tính toán song song với phần cứng GPU, giúp các lập trình viên xây dựng phần mềm với khả năng tăng tốc tác vụ dễ dàng hơn, cũng là hệ thống duy nhất tương thích 100% với các card đồ họa GPU chuyên dụng cho việc tính toán nhanh.

Các báo cáo cũng thể hiện sự lo ngại về các khoản đầu tư gần đây của Nvidia vào các nhà cung cấp dịch vụ đám mây tập trung vào AI như CoreWeave (một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Mỹ).

Nếu bị xác định vi phạm luật chống độc quyền của Pháp, các công ty có nguy cơ bị phát tới 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Mặc dù vậy, họ cũng có thể đưa ra các nhượng bộ để tránh bị phạt.

antitrust-gavel-1719882352.png

Các cơ quan quản lý ở khắp nơi trên thế giới đang nỗ lực chống lại cách hành vi độc quyền thị trường của "big tech".

Không chỉ EU, thời gian gần đây Mỹ cũng đang siết chặt các hoạt động quản lý “big tech”. Không chỉ Nvidia, các “ông lớn” khác như OpenAI, Microsoft cũng đang bị điều tra vì độc quyền thị trường AI.

Tháng 3 năm nay, Bộ Tư Pháp Mỹ cùng chính quyền 15 bang đã đệ đơn kiện Apple về hành vi độc quyền thị trường smartphone, gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và đẩy giá cả lên cao. Trong cùng tháng, “Táo Khuyết” cũng bị EU phạt gần 2 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền khi chặn các ứng dụng phát nhạc trực tuyến tiếp cận người dùng.