OpenAI tham gia thị trường tìm kiếm với SearchGPT, cạnh tranh với Google

OpenAI đang mạo hiểm tham gia thị trường tìm kiếm internet với việc ra mắt có chọn lọc công cụ SearchGPT, được hỗ trợ trí tuệ nhân tạo với khả năng truy cập thông tin theo thời gian thực.

Việc ra mắt SearchGPT đang được công bố vào ngày 25/7, chính thức đặt gã khổng lồ AI vào cuộc cạnh tranh với Google trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet. Ở phạm vi hẹp hơn, SearchGPT cũng sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm đến từ những nhà tài trợ của chính mình như Bing của Microsoft, Perplexity (một công cụ chatbotAI tập trung vào tìm kiếm) với sự hỗ trợ của Amazon và Nvidia.

Ngay sau khi OpenAI công bố SearchGPT, hiệu ứng tâm lý đã ảnh hưởng lập tức đến các nhà đầu tư khiến cổ phiếu công ty mẹ Google là Alphabet sụt giảm tới 3% trong cùng ngày.

OpenAI cho biết họ đã mở đăng ký cho công cụ mới, hiện đang trong giai đoạn nguyên mẫu và đang được thử nghiệm với một nhóm nhỏ người dùng và nhà xuất bản. Công ty có kế hoạch tích hợp các tính năng tốt nhất từ ​​công cụ tìm kiếm vào ChatGPT trong tương lai.

searchgpt-1721962316.jpg
OpenAI vừa tung ra công cụ tìm kiếm bằng AI SearchGPT, đe dọa trực tiếp tới thị phần của Google.

Nhà phân tích Kingsley Crane của Canaccord Genuity cho biết: "Các công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI từ OpenAI và Perplexity khẳng định lại tìm kiếm là một mô hình tương tác nội dung nhưng gây áp lực buộc Google phải cải thiện khả năng của mình".

Theo công ty phân tích web Statcounter, tính đến tháng 6, Google thống trị thị trường công cụ tìm kiếm với 91,1% thị phần.

OpenAI cho biết trong một bài đăng trên blog rằng SearchGPT sẽ cung cấp kết quả tìm kiếm tóm tắt với các liên kết nguồn để trả lời các truy vấn của người dùng. Người dùng cũng có thể đặt các câu hỏi tiếp theo và nhận được phản hồi theo ngữ cảnh.

Giao diện của SearchGPT là một hộp văn bản lớn với câu hỏi "What are you looking for?" (Bạn đang tìm kiếm gì?). Thay vì chỉ trả về một danh sách các liên kết đơn thuần, SearchGPT sẽ nỗ lực tổ chức và giải thích thông tin. Đơn cử, khi tìm kiếm thông tin về các lễ hội âm nhạc, SearchGPT sẽ tóm tắt kết quả và trình bày một cách ngắn gọn các sự kiện, kèm theo liên kết nguồn cho mỗi mô tả.

SearchGPT cũng cung cấp tính năng "trả lời bằng hình ảnh", tuy nhiên thông tin cụ thể vẫn chưa được OpenAI tiết lộ. Người dùng cũng có thể đặt câu hỏi bổ sung hoặc sử dụng thanh công cụ bên để mở các liên kết liên quan khác sau khi nhận kết quả tìm kiếm.

SearchGPT hiện mới chỉ là phiên bản thử nghiệm. Dịch vụ này được phát triển dựa trên dòng mô hình GPT-4 và ban đầu sẽ chỉ cho phép 10.000 người dùng thử truy cập.

Công ty sẽ cung cấp cho các nhà xuất bản quyền truy cập vào các công cụ để quản lý cách nội dung của họ xuất hiện trong kết quả SearchGPT. News Corp và The Atlantic là đối tác xuất bản của SearchGPT.

gpt-1721962602.gif
 

SearchGPT báo hiệu sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà xuất bản và OpenAI, sau các thỏa thuận cấp phép nội dung với các tổ chức lớn như Associated Press, News Corp và Axel Springer.

Crane cho biết: "Các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm hỗ trợ AI mới hơn có thể phải đối mặt với những thách thức riêng, trong đó Perplexity đang phải đối mặt với các hành động pháp lý đang chờ xử lý từ các nhà xuất bản như Wired, Forbes và Condé Nast".

Các công cụ tìm kiếm lớn đã cố gắng tích hợp AI vào tìm kiếm kể từ khi ChatGPT lần đầu ra mắt vào tháng 11/2022. Microsoft, thông qua khoản đầu tư ban đầu, đã áp dụng công nghệ OpenAI cho công cụ tìm kiếm Bing của mình, trong khi Google tung ra bản tóm tắt hỗ trợ AI cho công chúng rộng rãi hơn tại hội nghị dành cho nhà phát triển vào tháng 5.