Phạt 1 tỉ đồng với hành vi “gian dối” của chủ đầu tư: Không đủ sức răn đe ?

Nhiều người cho rằng mức phạt 1 tỉ đồng cho các chủ đầu tư vẫn là nhẹ so với lợi ích họ thu về được, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định đây là mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, không có mức cao hơn. Do đó, bên cạnh phạt tiền, sẽ có thêm những hình thức xử phạt bổ sung khác.

Trong thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án bất động sản vì lợi ích kinh tế đã cố tình các vi phạm quy định như không công khai đầy đủ thông tin khi giao dịch, không đảm bảo các điều kiện khi đưa vào kinh doanh theo quy định, thu tiền đặt cọc của khách hàng chiếm tỷ lệ lớn…gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bất động sản.

Theo đó, khi xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng đã tăng mức tiền phạt để đảm bảo tính răn đe.

Nếu như trước đây các hành vi vi phạm liên quan đến không công khai thông tin thế chấp, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án đưa vào kinh doanh…chỉ bị phạt 100-120 triệu đồng thì ở Nghị định mới, mức phạt đã tăng lên cao nhất từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, tương đương gấp hơn 8 lần.

du-an-bds-1721554282.jpg

Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt tiền 1 tỉ đồng vẫn chưa đủ sức răn đe

Đối với các hành vi kinh doanh bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh, Bộ Xây dựng cũng đề xuất tăng mức phạt tiền từ 600 triệu đồng lên tối đa là 1 tỷ đồng.

Việc chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản trong dự án không đảm bảo các điều kiện và chuyển nhượng toàn bộ hoặc 1 phần dự án không đảm bảo đầy đủ điều kiện cũng sẽ bị phạt tiền tối đa lên 1 tỉ đồng.

Ngay sau khi Bộ Xây dựng lấy ý kiến dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ xử phạt đến 1 tỉ đồng vẫn là mức thấp so với lợi ích mà các chủ đầu tư có thể thu lại được. Việc các hình thức xử phạt chưa đủ răn đe là nguyên nhân khiến các chủ đầu tư vẫn cố tình làm trái pháp luật, chấp nhận nộp phạt, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ Xây dựng, đây là mức phạt tối đa (kịch khung) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định. Trên cơ sở này, dự thảo Nghị định đã điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi lên mức kịch khung.

Để đảm bảo tính răn đe, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, dự thảo Nghị định cũng quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm.

xu-ly-vi-pham-1721554424.jpg

Ngoài mức xử phạt bằng tiền, Bộ Xây dựng cho biết sẽ có thêm nhiều hình thức phạt bổ sung

Các hình thức bổ sung bao gồm: buộc công khai thông tin theo quy định, lập lại hợp đồng gắn với quyền sử dụng đất, trả lại bên cho bên mua các loại phí và các khoản tiền liên quan kinh doanh bất động sản, hoàn trả phần tiền đặt cọc vượt quy định, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định...

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có 60 dự án nhà ở đang “nằm trong ngân hàng”, trong đó có 41/60 dự án thế chấp từ năm 2016-2023 và nhiều dự án thế chấp trong giai đoạn 2008-2011, nhưng đến cuối năm 2023 vẫn chưa được giải chấp khiến người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và nhà ở (sổ đỏ).

Còn theo Văn phòng đăng ký đất đai TP. HCM, qua rà soát, thành phố có hơn 30.061 hồ sơ đủ điều kiện cấp sổ đỏ, nhưng chủ đầu tư và người mua nhà chưa nộp hồ sơ. Cơ quan này đã gửi công văn đến những đơn vị liên quan “giục” nộp hồ sơ nhưng đến nay, các chủ đầu tư dự án chỉ mới nộp được hơn 9.000 hồ sơ, còn tới gần 21.000 hồ sơ chưa nộp.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra là việc không ít chủ đầu tư dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng. Liên quan đến vấn đề nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cho người mua bất động sản, dự thảo Nghị định cũng đưa ra mức xử phạt 400-600 triệu đồng nếu chủ đầu tư không thực hiện.