Hôm nay là rằm tháng 7, nhiều ngôi chùa trên cả nước đã tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu. Cùng với đó, nhiều người cũng mua các con vật đến để tổ chức lễ phóng sinh.
Theo phong tục của người Việt Nam, vào dịp rằm tháng 7 âm lịch cùng với làm những mâm cỗ cúng tổ tiên, nhiều gia đình còn tổ chức lễ phóng sinh với ước muốn được may mắn, an lành cả năm. Phóng sinh theo đó đã trở thành việc hành thiện phổ biến diễn ra mỗi dịp rằm tháng 7 âm lịch. Lễ vật phóng sinh có thể là chim, cá, cua, ốc, lươn...
Năm nay, giá chim phóng sinh tại các chợ chim cũng không khác những năm trước, chênh so với ngày thường khoảng 5.000 - 10.000 đồng/con. Cụ thể, chim sẻ, chim vành khuyên có giá từ 15.000 - 20.000/con. Những loại chim được nhiều người chọn mua để thả phóng sinh là chim sẻ, chim ri và chim sâu bởi các loài này nhỏ, giá bán cũng rất rẻ, phù hợp kinh tế nhiều gia đình.
Tại khu vực trước cổng chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP. HCM), nhiều người đặt lồng chim, thùng đựng cá để bán cho những người có nhu cầu mua phóng sinh.
Một người bán chim cho biết, ông mua số chim này từ đầu mối ở miền Tây chuyển lên. Các loại chim như chim sắc, chim sẻ, chim ri... được bán với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/con. Khách có nhu cầu mua, ông sẽ cho mượn lồng nhưng phải đặt cọc. Sau khi thả chim xong, khách mang lòng tới trả thì ông trả lại tiền đặt cọc.
Một vị khách đến hỏi mua 20 con chim để phóng sinh. Người này chia sẻ, bà phóng sinh để cầu mong mọi thứ thuận buồm xuôi gió. Mua xong, bà xách theo lồng chim vào khu vực chùa. Sau khi mở lồng để tại chỗ, chim tự bay ra. Tuy nhiên, có những con chim bị nhốt nhiều ngày, yếu ớt không còn sức để bay, chỉ nhảy cóc. Quan sát xung quanh, còn có con bay lên đậu trên nhánh cây, rồi cũng đuối sức phải sà xuống đất.
Tình trạng bán chim ở các cổng chùa như trên rất phổ biến trong ngày này tại TP. HCM. Như chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), vừa bước vào khu vực chùa, bên tay trái đã có nhiều lồng chim được bày bán. Giá chim sẻ, chim ri tại đây là 17.000 đồng/con. Người mua có thể mang thả trước cổng chùa hoặc bên trong chùa.
Phóng sinh vốn là một việc hành thiện, tuy nhiên nhiều đối tượng lại lợi dụng điều này để săn bắt, tận diệt động vật nhằm trục lợi. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Cường (Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội) chia sẻ, theo nghiên cứu của Trung tâm, việc săn bắt chim tự nhiên để phóng sinh cũng gây tác hại với hệ sinh thái không kém việc săn bắt chim để làm đồ ăn.
Những cá thể chim đang tự do bị bắt nhốt vào lồng, nuôi trong điều kiện kém (thức ăn không hợp, phải sống chen chúc...) cộng với tinh thần hoảng loạn, đa số sẽ ốm yếu và chết. Nếu thời gian nuôi nhốt dài, kể cả số chim khỏe mạnh khi được thả ra cũng bị suy giảm đề kháng, mất quán tính bay và kiếm mồi, kết quả vẫn là chết. Chưa kể, trong số rất nhiều chim bị bắt đang trong thời kỳ nuôi con, chim non mất mẹ, không được mớm mồi sẽ chết.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, phóng sinh bằng cái tâm, không có quy chuẩn về phóng sinh số lượng bao nhiêu chim cá, loại chim to hay nhỏ, quý hay thường. Các nhà sư đều hướng dẫn người dân phóng sinh sao để khơi lòng hiếu sinh, chứ không phải tạo công đức thực dụng.
Nhiều chuyên gia văn hoá cũng nhấn mạnh, người phóng sinh theo phong trào, thấy người ta thả nhiều mình cũng cố chạy theo số đông thì dễ vướng vào tham, sân, si trong nhà Phật, khi đó là mất chứ không phải là được. Hãy làm bằng thiện tâm, bằng tự do tín ngưỡng và bằng hiểu biết thì sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.