Phụ huynh chở con đi học bằng xe máy chú ý điều này nếu không sẽ bị phạt nặng

Nghị định 168 quy định mức phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng đối với hành vi để trẻ em trên 6 tuổi ngồi phía trước xe máy. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

Tăng mức phạt tới 30 lần so với quy định cũ

Giao thông trên đường, không khó để bắt gặp hình ảnh người lớn chở trẻ nhỏ trên xe máy mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn, thậm chí có trường hợp trẻ còn được cho đứng phía trước, không đội mũ bảo hiểm... Đây là hành động rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro lớn đối với sự an toàn của trẻ nhỏ trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông.

Thực tế, pháp luật hiện hành đã có quy định xử phạt hành vi này. Tuy nhiên, mức phạt không cao nên tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Nhưng từ đầu năm nay, Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực, mức xử phạt với các hành vi chở trẻ sai quy trên xe máy đều tăng cao.

cho-tre-2-1736816353.jpg
Chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi trước xe máy có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

Cụ thể, tại điểm h khoản 9 Điều 7 của Nghị định 168, quy định phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng với người điều khiển xe ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 10 tháng đến 12 tháng.

Một đại diện CSGT cho biết, trẻ em hiện nay phát triển rất nhanh, với chiều cao từ 1,15 - 1,3 m khi mới 6 tuổi. Điều này khiến việc cho trẻ ngồi phía trước xe máy dễ che khuất tầm nhìn của người lái, từ đó gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Quy định này là hợp lý nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trước đây, Nghị định 100 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123 chỉ quy định mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hành vi ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi phía trước để điều khiển xe, nhưng không xác định rõ độ tuổi của trẻ em ngồi phía trước. Còn Nghị định 168 đã nêu rõ độ tuổi cụ thể của trẻ em được phép ngồi trước xe máy.

Trường hợp chở trẻ dưới 6 tuổi ngồi phía trước, người lái xe sẽ không bị xử phạt, nhưng cần phải bảo đảm an toàn cho trẻ bằng cách sử dụng đai cột. Với trẻ em trên 6 tuổi đến dưới 12 tuổi, người điều khiển xe 2 bánh sẽ không bị xử phạt nếu chở trẻ ngồi phía sau cùng với một người lớn khác.

Trẻ từ 12 tuổi trở lên được xem như người lớn khi tham gia giao thông bằng xe 2 bánh. Vì vậy, tài xế chỉ được phép chở 1 trẻ ở độ tuổi này ngồi phía sau và có thể chở kèm thêm một trẻ dưới 6 tuổi phía trước nếu có.

Trên thực tế, các quy định này đã tồn tại từ khá lâu tại Việt Nam, tuy nhiên, độ tuổi trẻ em trong nội dung các điều khoản trước đây có sự khác biệt và mức phạt khi vi phạm cũng không cao như hiện tại.

Như khoản 1 Điều 30 Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ 2008 quy định, người lái xe mô tô, xe 2 bánh, xe gắn máy chỉ được chở tối đa 1 người, ngoại trừ một số trường hợp được chở tối đa 2 người, trong đó có trẻ em dưới 14 tuổi. Tuy nhiên, Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ 2024 đã điều chỉnh giới hạn độ tuổi trẻ em được phép chở tối đa 2 người trên xe máy xuống dưới 12 tuổi.

cho-tre-1-1736816193.jpg
Chở trẻ dưới 6 tuổi phía trước xe máy phải có biện pháp đảm bảo an toàn

Nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn cho trẻ

Luật sư Trần Văn Giới - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, những quy định mới này được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, giảm thiểu tình trạng chở quá số người quy định và phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, tình trạng chở quá số người trên xe máy vẫn rất phổ biến, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người tham gia giao thông. Việc chở trẻ em không an toàn, chẳng hạn như không đội mũ bảo hiểm hoặc ngồi sai tư thế, là nguyên nhân chính dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng trong tai nạn giao thông.

Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, việc chở người trên xe máy được quản lý rất nghiêm ngặt, bao gồm yêu cầu bắt buộc sử dụng ghế an toàn cho trẻ em. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra tai nạn giao thông, và việc sử dụng ghế an toàn cùng tư thế ngồi đúng cách có thể giảm thiểu rủi ro đáng kể.

Ông đánh giá, các quy định mới sẽ giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến việc chở quá số người hoặc chở trẻ em không đúng cách. Việc áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm minh sẽ tạo ra tác động răn đe, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân.

Quy định mới về việc chở người trên xe mô tô, xe gắn máy là một bước tiến quan trọng để bảo vệ an toàn giao thông, đặc biệt là cho trẻ em. Dù còn nhiều thách thức trong việc thực thi, nhưng với các giải pháp phù hợp, quy định này sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của cộng đồng.