Wi-Fi Certified 7 dựa trên công nghệ IEEE 802.11be, được nâng cấp để tương thích với tất cả băng tần Wi-Fi phổ biến (2,4 GHz, 5 GHz, 6 GHz), có khả năng kết nối vượt trội từ những thiết bị đòi hỏi thông lượng cao, độ trễ thấp hơn và độ tin cậy cho các môi trường gia đình, doanh nghiệp.
Nhờ khả năng kết nối vượt trội đó, tốc độ truyền tải không dây của Wi - Fi 7 được cải thiện. Hiện tại, Wi-Fi 6 cũng có thể sử dụng tất cả các băng tần nhưng mỗi lần chỉ có một băng tần. Hầu hết các hệ thống Mesh Wi-Fi 6E ưu tiên 6 GHz để có hiệu suất nhanh hơn, sau đó giảm xuống 5 GHz hoặc 2.4 GHz dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
Ngoài khả tăng tốc độ, Wi-Fi 7 còn giúp tăng gấp đôi kích thước kênh, cải thiện đáng kể về cách tổ chức dữ liệu thành các luồng dữ liệu. Đồng thời, hỗ trợ các thiết bị sử dụng cùng lúc nhiều tần số và kênh, tăng hiệu suất mạng. Đặc biệt, Wi-Fi 7 có khả năng bảo vệ mạng tăng cường, việc Wi-Fi 7 chuyển sang WPA3 sẽ giúp hệ thống an toàn hơn nhiều thay vì các phương pháp bảo mật chứa nhiều lỗ hổng trước đó.
Việc kết nối Wi-Fi 7 được đánh giá có tính ổn định hơn so với các thông số kỹ thuật trước kia và có khả năng hoạt động đa liên kết. Wi-Fi 7 giúp cân bằng lưu lượng truy cập, cho phép các mạng chứa nhiều thiết bị hơn một cách hiệu quả. Tiêu chuẩn Wi-Fi mới này được cho rằng sẽ phù hợp với các ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR). Gần đây, FCC chấp thuận kết nối Wi-Fi cực nhanh trên phổ tần 6 GHz là một bước quan trọng trong việc hướng tới cho phép thiết bị VR, AR sử dụng Wi-Fi 7.
Đối với người dùng thông thường, chuẩn Wi-Fi hiện tại đã đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, Wi-Fi 7 hứa hẹn sẽ giúp nhiều lĩnh vực đột phá với những ưu thế về tốc độ xử lý cao, đa luồng và độ trễ thấp. Điển hình, Wi-Fi 7 sẽ mở cánh cửa cho các ứng dụng VR/AR chân thực và sống động hơn.
Ở lĩnh vực nhà thông minh và IoT, khi số thiết bị kết nối ngày càng lớn thì việc sử dụng một mạng Wi-Fi mạnh mẽ và đáng tin cậy trở nên vô cùng cần thiết. Ở môi trường công nghiệp, Wi-Fi 7 cho phép liên lạc liền mạch giữa các máy móc và cảm biến nhằm nâng cao mức độ hiệu quả và an toàn.
Wi-Fi 7 có thể tương thích với thiết bị cũ nhưng hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi cả bộ định tuyến và thiết bị đầu cuối cùng được sử dụng cùng một chuẩn Wi-Fi. Đây cũng là một thách thức lớn vì mức giá của những bộ router hỗ trợ tần số 6 GHz vẫn ở mức cao (từ 500 USD trở lên), mức giá này khó có thể tiếp cận đến số đông người dùng. Hầu hết phần cứng cơ sở hạ tầng Wi-Fi 7 đang hướng tập trung vào người dùng truyền thống có nhu cầu mạng tốc độ cao, đặc biệt là các game thủ. Một số nhà cung cấp hàng đầu được dự báo sẽ là Asus, NetGear, TP Link và Eero.
Việt Nam là quốc gia có tổng số người dùng Internet và mạng xã hội lớn. Đầu năm 2023, nước ta có 77,79 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Từ đó, có thể nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ đối với các xu hướng công nghệ số nói chung và công nghệ mạng nói riêng. Việc ứng dụng thế hệ kết nối không dây mới như Wi-Fi 7 hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cũng như tăng cường các vấn đề liên quan đến an ninh mạng.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/wi-fi-7-va-buoc-tien-manh-me-trong-cong-nghe-mang-1275.html