Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài hơn 8km chảy qua các quận 1, quận 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Nơi dòng kênh đổ ra là sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, bên bờ nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm.
Năm 1993, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Năm 2002, kế hoạch này được triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng. Dòng kênh được lắp đặt gần 16km bờ kè, nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, thi công 9km tuyến cống bao, gia cố cầu, đặt máy bơm công suất lớn, làm đường hai bên...
Năm 2012, dự án hoàn thành. Đã có hơn 7.000 hộ dân được di dời trong quá trình thực hiện dự án. Tiếp đó, chính quyền thành phố cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa, tạo cảnh quan trên tuyến kênh trở thành hai tuyến đường đẹp.
Sau khi được cải tạo, Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành dòng kênh đẹp nhất TP. HCM, là địa điểm được người dân thành phố yêu thích đến thư giãn, tập thể dục...
Tuy nhiên, gần đây dòng kênh này có nguy cơ ô nhiễm trở lại khi rác thải sinh hoạt của người dân đổ ra kênh quá lớn. Rác nổi lềnh bềnh dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều nhất ở khu vực 2 bên cầu số 1 qua địa bàn quận Tân Bình. Đủ loại rác thải sinh hoạt ken đặc trên mặt kênh.
Anh Nguyễn Văn Nguyện – người dân sinh sống tại quận Tân Bình chia sẻ, có một đội chuyên thu vớt rác trên kênh. Nhưng, vài người thu gom làm sao kịp với hàng ngàn người vứt rác. Thế nên, mặt kênh ngày càng nhiều rác thải, rất ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, công tác vớt, thu gom chất thải rắn tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do 2 đơn vị thực hiện: Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP. HCM) thu vớt rác từ đoạn cầu Lê Văn Sỹ đến đầu đường Út Tịch (tuyến thoát nước). Còn Trung tâm Quản lý Đường thủy (thuộc Sở Giao thông vận tải TP. HCM) thực hiện thu gom từ ngã ba sông Sài Gòn đến cầu Lê Văn Sỹ (tuyến đường thủy nội địa của địa phương).
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, quá trình thu vớt chất thải rắn trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho thấy, rác chủ yếu từ các cửa xả cống hộp trôi vào kênh, nhiều nhất là từ cửa xả cống hộp trên đường Út Tịch (Tân Bình). Việc này gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị.
Do đó, Sở đề nghị Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật có giải pháp ngăn chặn và thu gom rác tại các cửa xả không để rác trôi ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý Đường thủy đang xây dựng kế hoạch, phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch trong năm 2024 (gồm số lượng tuyến, tần suất, thời gian, công nghệ, dự toán kinh phí) để trình UBND TP. HCM xem xét, chấp thuận để làm cơ sở thực hiện.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dong-kenh-dep-nhat-tp-hcm-co-nguy-co-o-nhiem-tro-lai-1442.html