Mật độ hạt vi nhựa tại đô thị cao khiến gia tăng nguy cơ mắc ung thư

Hạt vi nhựa sau khi thâm nhập, tích tụ trong cơ thể với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, gây ra các biến đổi chuyển hóa. Hiện nay, mật độ hạt vi nhựa trong môi trường ngày càng cao là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

o-nhiem-nhua-1711015564.jpg
Mật độ vi nhựa trong không khí tại các bãi rác rất cao

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) vừa công bố báo cáo “Tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022”. Báo cáo cho thấy bức tranh ô nhiễm vi nhựa nghiêm trọng tại Việt Nam, nổi bật là TP. HCM và Hà Nội.

Trong báo cáo nêu mật độ vi nhựa trong không khí đo được tại bãi rác Phước Hiệp (TP. HCM) có tốc độ lắng đọng lên tới 1.367 hạt/m2 bề mặt/ngày, cao hơn 50 lần kết quả quan trắc tại thủ đô Paris (Pháp). Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện tại TP. HCM cho thấy, tốc độ lắng đọng vi nhựa từ không khí xuống bề mặt trong khu vực đô thị dao động trong khoảng 71 - 917 hạt/m2/ngày.

Không chỉ trong không khí, mật độ vi nhựa ghi nhận tại một số dòng sông ở mức báo động. Sông Đáy chảy qua nhiều tỉnh phía Bắc là Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Hạ nguồn của con sông này ghi nhận mật độ vi nhựa từ 269 - 863 hạt/m3 nước với thành phần chủ yếu là PE (polyethylene) và PP (polypropylene).

Hay kênh Phú Lộc chảy qua Đà Nẵng có mật độ vi nhựa dao động từ 630 - 3.840 hạt/m3. Nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, vi nhựa tập trung với mật độ lớn từ 228.120 - 715.124 dạng sợi/m3, 23 - 300 mảnh và màng nhựa/m3.

Đáng chú ý, vi nhựa trong nước Hồ Tây cũng lên đến 611 hạt/m3, cao hơn nhiều lần so với nước hồ Trị An (chỉ có 1,5 hạt/m3). Vi nhựa trong trầm tích hồ ở Hà Nội được ghi nhận dao động từ 2.767 đến 2.833 hạt/kg. Nguyên nhân chính khiến lượng vi nhựa tại đây cao là do các hoạt động của người dân sinh sống xung quanh hồ.

o-nhiem-nhua-1-1711015540.jpg
Hầu hết các loại thực phẩm, nước uống mà chúng ta sử dụng hàng ngày đều có chứa vị nhựa

Báo cáo của WWF cũng chỉ ra rằng, trung bình một người có thể hấp thụ từ 39.000 - 52.000 hạt vị nhựa/ năm thông qua đường hô hấp, tiêu thụ thức ăn, nước uống hay tiếp xúc trực tiếp qua da. Hầu hết các loại thực phẩm, nước uống mà chúng ta sử dụng hàng ngày đều có chứa vị nhựa. Ví dụ trong mật ong có khoảng 40 - 660 hạt/kg, đường có khoảng 25-39 hạt, muối ăn ở mức 7-681 hạt và nước uống khoảng 118 hạt/lít.

Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, hạt vi nhựa sau khi thâm nhập, tích tụ trong cơ thể với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, gây ra các biến đổi chuyển hóa, làm mất cân bằng năng lượng. Với kích thước siêu nhỏ, chúng có thể di chuyển theo tuần hoàn máu đến các mô trong cơ thể, gây tắc nghẽn động mạch, phù động mạch, viêm tế bào… Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy hạt vi nhựa trong phổi của con người. Đây là một trong những tác nhân làm trầm trọng hơn các bệnh về đường hô hấp, điển hình như bệnh hen suyễn hay nặng hơn là ung thư phổi.

Đặc biệt, mật độ hạt vi nhựa trong môi trường ngày càng cao là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các nhà khoa học tìm thấy trong vi nhựa có chứa chất phthalate được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ liệt vào danh sách các chất có thể gây ung thư cho cơ thể.

Với những tác hại xấu đối với sức khỏe con người, việc giảm thiểu rác thải nhựa là một việc làm cấp bách mà mỗi cá nhân cần thực hiện thông qua những hành động thường ngày như: hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần, tái chế các sản phẩm đã sử dụng…

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/mat-do-vi-nhua-tai-nhieu-do-thi-cao-khien-nguy-co-mac-ung-thu-tang-1933.html