Được biết, quỹ đầu tư này đã thảo luận về mối quan hệ hợp tác tiềm năng với Andreessen Horowitz - một trong những công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu ở Thung lũng Silicon và các nhà tài phiệt khác. Nếu cú bắt tay này thành công sẽ đưa Ả Rập Xê-út trở thành nhà đầu tư AI lớn nhất thế giới.
Quốc gia Trung Đông này cũng thể hiện tham vọng kinh doanh toàn cầu của mình và nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Đồng thời, khẳng định sự ảnh hưởng của quốc gia mình trên bản đồ địa chính trị. Ả Rập Xê-út đang theo đuổi mục tiêu này thông qua quỹ đầu tư quốc gia có tài sản hơn 900 tỷ USD.
Con số 40 tỷ USD vượt xa số tiền thông thường mà các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ huy động và chỉ xếp sau SoftBank. Quỹ công nghệ của Ả Rập Xê-út đang được xây dựng với sự giúp đỡ của các ngân hàng phố Wall.
Ả Rập Xê-út sẽ hỗ trợ một loạt công ty khởi nghiệp công nghệ gắn liền với AI gồm các trung tâm dữ liệu lớn và các nhà sản xuất chip. Quốc gia này đã từng rót 3,5 tỷ USD vào Uber và 45 tỷ USD vào Softbank và rất nhiều các dự án đồ sộ khác trên khắp thế giới.
Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner (Mỹ) đã đã tiến hành khảo sát và cho biết thị trường phần mềm AI sẽ đạt 135 tỉ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép từ 14,4% (năm 2021) lên 31,1% (năm 2025), vượt qua mức tăng trưởng chung của toàn ngành phần mềm.
Ở Việt Nam, thời gian gần đây đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn lực AI. Theo đó, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Năm 2023, đã có nhiều mô hình AI do Việt Nam phát triển như VinAI, PhởGPT, FPT AT Mentor hay LovinBot. Dự kiến đến năm 2030, AI tạo sinh sẽ đóng góp cho nền kinh tế số khoảng 14.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, rất nhiều khó khăn, thách thức mà các cơ quan, tổ chức liên quan cần vượt qua.
Nguồn nhân sự chất lượng cao là bài toán khó không chỉ đối với Việt Nam mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Yêu cầu đặt ra là đẩy mạnh giáo dục, đào tạo để có một lực lượng lao động có năng lực và kỹ năng tốt. Qua đó, thúc đẩy ứng dụng của AI và các ngành công nghệ khác nói chung và xây dựng một hạ tầng cạnh tranh của các quốc gia về trí tuệ nhân tạo.
Cơ sở hạ tầng để phát triển AI cũng đòi hỏi quy mô lớn và hiện đại. Trên thực tế cơ sở hạ tầng ở nước ta vốn đã đi sau nhiều các quốc gia khác chứ chưa nói đến cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ riêng cho ngành AI.
Tuy nhiên, vấn đề này của Việt Nam có khả năng được cải thiện nếu bài toán về nhân sự được giải quyết sớm, triệt để. Bởi lẽ, khi có ưu thế về nhân sự thì các vấn đề về cơ sở hạ tầng sẽ được giảm tải, đặc biệt khi lĩnh vực blockchain có thêm một sáng kiến mới về cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung (DePIN)
Vấn đề cuối cùng là về mặt pháp lý. Để giải quyết cần từng bước nghiên cứu và ban hành khung chính sách ngăn ngừa một số rủi ro tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng tới lợi ích công dân nhưng vẫn phải đảm bảo việc gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp ở mức cao cùng sự quyết tâm của Chính phủ. Chính vì vậy, nước ta vẫn có nhiều hi vọng có thể phát triển trong ngành AI.
Linh Trang
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thach-thuc-cua-thi-truong-ai-viet-nam-1973.html