Công ty Chứng khoán MB (MBS) dẫn số liệu thị trường trái phiếu tháng 3 cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến 21/3, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt hơn 14,8 nghìn tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Lãi suất TPDN bình quân trong 3 tháng đầu năm khoảng 10,7%.
Tính trong 3 tuần đầu tháng 3 vừa qua, thị trường chỉ ghi nhận 2 đợt phát hành TPDN riêng lẻ. Đó là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 18-36 tháng, lãi suất 9,8%-10%) và Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An (hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 9,8%).
Trong 3 tháng đầu năm, bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 24 nghìn tỷ) chiếm tỷ trọng 43%, lãi suất bình quân là 11,6%/năm, kỳ hạn 2,5 năm. Các doanh nghiệp trên phát hành giá trị lớn nhất gồm: Bất động sản Hải Đăng, Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An và Tập đoàn Vingroup – CTCP (2 nghìn tỷ đồng).
Theo số liệu, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn trong tháng 3 ước tính khoảng hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm 87% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay khoảng hơn 13,1 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia MBS đánh giá, áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến hết năm rất lớn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã phải chi gần 14 nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn (trong đó hơn 41% là trái phiếu bất động sản).
Chính sách cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản hoặc sản phẩm khác giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực vào thời điểm đáo hạn. Tuy nhiên, với khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng phải đáo hạn trong năm 2024 sẽ là một áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp.
Trong quý II/2024, khối lượng TPDN đáo hạn lên tới 74 nghìn tỷ đồng. Sau đó, tổng giá trị TPDN đáo hạn sẽ giảm xuống 52 nghìn tỷ đồng trong quý III.
Hiện, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 193,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ toàn thị trường. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 70% giá trị chậm trả.
Công ty Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam VIS Rating đưa ra nhận định, ngành bất động sản sẽ có những chuyển biến tốt trong thời gian tới. Các yếu tố hỗ trợ thị trường phục hồi có thể kể đến như: Các luật mới về bất động sản, doanh số bán nhà cải thiện, khả năng tiếp cận vốn tăng…
Tuy nhiên, ngay cả khi dòng tiền được cải thiện, vấn đề đáng chú ý nhất là khả năng trả nợ của các chủ đầu tư vẫn ở mức yếu. Tỷ lệ nợ của ngành bất động sản đã tăng lên 8,7 lần trong năm 2023, trước đó ở mức 7 lần.
Vào năm 2024, khoảng 130 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Các chủ đầu tư vướng vấn đề pháp lý hoặc các dự án có tính đầu cơ sẽ gặp rủi ro chậm trả gốc, lãi trái phiếu và dòng tiền yếu vì vậy cần tái cấp vốn nhiều nhất.
Theo các chuyên gia, khả năng trả nợ trái phiếu vẫn đang là thách thức lớn của doanh nghiệp bất động sản. Dù nguồn tín dụng từ ngân hàng hỗ trợ phần nào dòng tiền, song doanh nghiệp phát hành không thể trông chờ toàn bộ vào điều này. Các chuyên gia kinh tế cũng kỳ vọng, phát hành TPDN năm 2024 sẽ dần khởi sắc trong nửa cuối năm, giúp doanh nghiệp địa ốc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu.
Nguyên Nguyên
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ap-luc-dao-han-trai-phieu-lon-doanh-nghiep-bat-dong-san-phai-vat-va-xoay-xo-tra-no-2093.html