Nguyễn Lan (quê Hưng Yên) là sinh viên năm nhất của một trường cao đẳng tại Hà Nội. Lan đăng ký học tiến chỉ hết vào buổi sáng để có thể đi làm thêm từ 13h đến 18h. Lan làm phụ việc cho một quán ăn tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Mỗi ca làm việc, Lan được trả 85.000 đồng. Lan chia sẻ, mỗi tuần cô đi làm khoảng 35 tiếng, được trả hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Tiền đi làm thêm cộng với gia đình chu cấp, cô đủ sống ở Hà Nội.
Khác với Lan chọn làm buổi chiều, Đoàn Vũ Dũng (sinh viên năm 3) chọn làm ca tối từ 18h đến 23h tại một trung tâm vui chơi. Dũng chia sẻ, bản thân đang sống cùng bố mẹ ở Hà Nội nhưng vẫn đi làm thêm khoảng 25 tiếng/tuần. Mỗi tháng, lương làm thêm của cậu dao động 2,2 - 2,5 triệu đồng. Cậu đi làm để lấy tiền tiêu vặt vì không muốn xin tiền của bố mẹ.
Việt Nam chưa có nghiên cứu nào trên quy mô cả nước về việc học sinh, sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, theo một số khảo sát cấp trường đại học, có khoảng 70 - 80% sinh viên làm thêm trong giai đoạn học tập. Công việc được các bạn sinh viên lựa chọn thường là phụ việc tại các quán ăn, cà phê hay đóng gói hàng hóa với ca làm 4 - 5 tiếng/ngày, tương đương 28 - 35 tiếng/tuần. Mức lương phổ biến là 17.000 - 20.000 đồng/tiếng.
Mới đây, lấy ý kiến về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ. Khi biết thông tin này, rất nhiều sinh viên đã bày tỏ lo lắng vì giới hạn giờ làm thêm đồng nghĩa giảm thu nhập, khó trang trải cuộc sống.
Đại diện một số trường ở Hà Nội và TP. HCM cho biết, hiện nay mức chi tiêu phổ biến của 1 sinh viên rơi vào khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, chưa tính học phí (1,2 - 6 triệu đồng với chương trình đại trà). Sinh viên ở trọ bên ngoài tốn kém hơn những em ở ký túc xá hay ở cùng người thân.
Nguyễn Lan cho biết, cô ở trọ với bạn, mức chi tiêu khoảng 5 triệu/tháng. Nếu chỉ được làm 20 tiếng/tuần, thu nhập của cô sẽ giảm gần một nửa. Lan bảo, như vậy chắc cô không đủ tiền ăn.
Hồng Quân đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công nghệ TP. HCM. Quân cho rằng, việc siết giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và cơ hội học tập của cậu. Hiện Quân đang chạy xe ôm công nghệ 4 - 5 tiếng/ngày. Cuối tuần, Quân còn chạy tới 10 - 12 tiếng.
Gia đình cho cậu 2 - 3 triệu mỗi tháng. Nếu thu nhập làm thêm của cậu giảm thì gánh nặng gia đình sẽ gia tăng bởi chi phí sinh hoạt ở thành phố rất lớn. Quân bộc bạch, cậu cũng đã nghĩ đến việc cố giành học bổng của trường, nhưng chuyện không dễ bởi phải lọt top 10% về điểm số. Nếu đề xuất này được thông qua, không chỉ cậu mà cả nhà cậu cũng sẽ lo lắng.
Ngày 1/4, tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi do Liên đoàn Lao động TP. HCM tổ chức, nhiều đại biểu cũng đã góp ý bỏ quy định thời gian học sinh, sinh viên làm thêm. Ông Lưu Đức Quang (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật thuộc Đại học quốc gia TP. HCM) cho rằng, quy định thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên trong dự thảo luật là không hợp lý.
Quy định này có ba điểm bất hợp lý được ông Quang đưa ra: Thứ nhất, hạn chế thời gian làm thêm và quyền lợi làm việc của sinh viên một cách thiếu chính đáng. Nếu nói quy định này được xây dựng dựa vào kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới là chưa thấu đáo. Bởi các nước kiểm soát thời gian làm thêm của du học sinh chứ không hạn chế thời gian làm thêm của sinh viên nước mình.
Lý do là để ưu tiên bảo đảm quyền làm việc của công dân nước sở tại (trong đó có sinh viên). Hầu hết sinh viên đã là thành niên nên hoàn toàn có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để chịu trách nhiệm với việc học của chính mình.
Thứ hai, các trường đại học, cao đẳng hiện nay đều thực hiện đào tạo theo quy chế tín chỉ. Sinh viên có thể chủ động đăng ký thời gian học, từ đó nhiều sinh viên học 3 - 3,5 năm đã hoàn tất chương trình. Sinh viên cũng có thể đăng ký hoàn tất chương trình học tối đa lên đến 8 năm.
Chương trình đào tạo tại nhiều trường đại học hiện được vận hành gần như liên tục nên khái niệm "kỳ học" hay "kỳ nghỉ" ngày càng xa lạ với sinh viên. Thế nên quy định thời gian làm thêm tối đa 1 tuần với sinh viên trong kỳ học để không ảnh hưởng đến học tập là không đủ căn cứ.
Thứ ba, hiện tại mạng lưới an sinh xã hội của chúng ta chưa hoàn thiện, cơ chế cho vay trợ giúp sinh viên học tập còn hạn chế. Nếu đề xuất này được duyệt thì sẽ có nhiều sinh viên không đủ khả năng theo đuổi việc học. Lợi bất cập hại là điều có thể dự báo.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đặng Minh Sự (Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) nhắc đến vướng mắc hiện nay đối với sinh viên các trường nghề. Trong các kỳ kiến tập, sinh viên làm việc, tạo ra sản phẩm như lao động chính thức tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng thanh toán lương cho các em. Tuy nhiên, các em không có hợp đồng lao động và thiệt thòi nhiều quyền lợi khác vì chưa có quy định rõ ràng. Nếu Luật Việc làm sửa đổi hạn chế thời gian làm việc trong 1 tuần thì rất khó khăn, vướng mắc đủ thứ.
Ông Đặng Minh Sự cho rằng: "Các em sinh viên đi làm thêm, kiến tập thì chúng ta nên xem các em như một người lao động bình thường, có cơ chế hỗ trợ, quản lý các em. Nếu chúng ta cấm luôn thì không có gì hỗ trợ để các em phát triển tay nghề khi còn ngồi trên ghế nhà trường".
Phúc Hưng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhung-bat-cap-trong-de-xuat-sinh-vien-chi-duoc-lam-20-tiengtuan-2229.html