Tràng Tiền chạy từ Đông sang Tây, bắt đầu từ khu vực hồ Gươm ở phía Tây, nối với phố Hàng Khay, kéo dài tới Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở phía Đông. Được xây dựng vào năm 1883 (xưa được gọi là phố Paul Bert), Tràng Tiền có nhiều công trình kiến trúc giá trị, ghi dấu nhiều câu chuyện lịch sử cũng như nếp sống của người Hà Nội.
Tràng Tiền là tuyến phố của Hà Nội tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh với đủ các loại hình dịch vụ từ khách sạn, hiệu thuốc, nhà hát, rạp chiếu bóng, cửa hàng bách hóa, nhà in, nhà xuất bản, hiệu sách, ngân hàng. Theo tiến trình của lịch sử, con phố Tràng Tiền ngày nay cũng thu hút nhiều nhãn hàng, thương hiệu hàng đầu thế giới. Tràng tiền đã và đang trở thành phố cung cấp dịch vụ, thương mại cao cấp. Nhiều người còn gọi Tràng Tiền là “phố hàng hiệu”.
Thế nhưng theo thời gian, hạ tầng hai bên tuyến phố Tràng Tiền đã xuống cấp, thêm vào đó người dân sinh sống cơi nới gây mất mỹ quan đôi thị. Để chỉnh trang lại con phố đã trải qua nhiều thăng trầm cùng sự phát triển của Hà Nội, mới đây UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành thực hiện dự án cải tạo kiến trúc, cảnh quan, nâng cấp hạ tầng tuyến phố này. Hoạt động này chủ yếu tại tầng 2 mặt phố Tràng Tiền.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (chủ đầu tư của dự án) cho biết, dự án cải tạo bắt đầu từ nút giao Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài đến quảng trường Cách mạng tháng Tám. Trước đây, các tuyến phố Hàng Khay, Tràng Thi đã được chỉnh trang, nên việc tuyến phố Tràng Tiền cũng được cải tạo sẽ giúp đồng bộ trục đường này.
Các công trình cải tạo được chia làm 3 loại:
Thứ nhất, công trình có ý nghĩa lịch sử, ghi dấu một giai đoạn phát triển của tuyến phố sẽ được chỉnh trang theo hướng bảo tồn. Loại này sẽ được giữ nguyên tính gốc của công trình bằng các biện pháp trùng tu và bảo dưỡng.
Thứ hai, với công trình không mang nặng yếu tố lịch sử thì hoạt động cải tạo sẽ chỉ can thiệp mức độ vừa phải. Phần lớn công trình ở dạng này đã xuống cấp, xuất hiện nhiều yếu tố gây mất mỹ quan đo thị như dây điện, ống, cục nóng điều hòa, biển hiệu, biển quảng cáo...
Loại thứ ba là những công trình không nằm trong hai loại trên, thuộc quản lý tư nhân, có khả năng xây mới trong tương lai.
Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, trong phạm vi dự án có 51 hộ dân, chủ yếu nằm trên tầng 2, đoạn giao cắt với phố Đinh Tiên Hoàng đến giao cắt Nguyễn Xí. Để thuận tiện cho sinh hoạt, nhiều hộ dân đã cơi nới, lấn chiếm khiến con phố nhếch nhác. Ban quản lý cùng lực lượng quản lý đô thị đã phối hợp tháo dỡ các vi phạm này trước khi tổ chức cải tạo.
Đại diện chủ đầu tư chia sẻ, Dự án đã được thực hiện theo phương án tốt nhất, có lợi nhất cho người dân, đồng thời làm đẹp con phố cho cộng đồng. Trong quá trình thi công, người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, tuy nhiên chủ đầu tư không công khai chi phí cụ thể. Dự kiến, việc chỉnh trang sẽ hoàn thành trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 - 10/10/2024.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-chinh-trang-lai-khu-pho-hang-hieu-trang-tien-2291.html