Chuyên gia đánh giá: Muốn “cứu” sông Tô Lịch phải xử lý tận nguồn gây ô nhiễm

Hà Nội đang nghiên cứu lấy nước sông Hồng để “hồi sinh” sông Tô Lịch. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ áp dụng một biện pháp này thì không hữu hiệu, cần cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, phải xử lý tận nguồn gây ô nhiễm thì mới bền vững.

song-to-lich-1-1712403913.jpg
Hà Nội đề ra mục tiêu làm "sống lại" sông Tô Lịch

Trong nghị quyết quy hoạch thủ đô, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ giải quyết triệt để ô nhiễm, làm "sống lại" dòng sông Tô Lịch. Thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng đập Long Tửu trên sông Đuống, đập Xuân Quan trên sông Hồng để lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông nội đô, trong đó có sông Tô Lịch.

Mục tiêu làm “sống lại” sông Tô Lịch không phải lần đầu được Hà Nội đề ra. Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã thí điểm nhiều giải pháp nhằm hồi sinh con sông Tô Lịch như dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước, công nghệ Nhật Bản phân hủy bùn… Nhưng đến nay, sông Tô Lịch vẫn đen kịt và bốc mùi hôi thối.

song-to-lich-1712403914.jpeg
Nhiều giải pháp nhằm "hồi sinh" sông Tô Lịch đã được thí nghiệm

Sông Tô Lịch là nơi tiếp nhận nhiều nước thải chưa được xử lý gồm nước thải sinh hoạt, bệnh viện, cơ sở sản xuất nên ô nhiễm rất nặng. Nhiều chuyên gia cho rằng để giải quyết được tận sâu vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch, cần phải tổng hợp nhiều biện pháp cùng lúc.

Là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, giáo sư, nhà giáo nhân dân Đặng Thị Kim Chi cho rằng, ý tưởng xây đập tràn để dẫn nước vào sông Tô Lịch chỉ là một trong nhiều biện pháp cần phải làm. Việc pha loãng ô nhiễm sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng thông qua hồ Tây cũng là giải pháp hay. Tuy nhiên, phải xử lý tận nguồn gây ra ô nhiễm mới có thể bền vững. Cụ thể, các loại nước thải đô thị đang thải vào các sông nội đô phải được xử lý, đảm bảo tiêu chuẩn mới được xả vào sông.

Theo giáo sư Đặng Thị Kim Chi, để làm được điều đó, nước thải đô thị phải được thu gom, đưa về xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung, sau đó mới được thải ra môi trường.

Ngoài ra, bà cho biết, Hà Nội cũng có thể xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng quy hoạch phân tán. Cụ thể, nước thải phải được xử lý sơ bộ tại các nguồn phát sinh để giảm bớt chất ô nhiễm. Đã có những đề tài xây dựng những trạm xử lý nhỏ ở các cống thải lớn. Nước xử lý đạt yêu cầu mới cho thải vào sông Tô Lịch. Như vậy, trên dọc sông Tô Lịch sẽ có những trạm xử lý nhỏ phân tán nhưng sẽ ngăn chặn được rất nhiều nước ô nhiễm đưa vào sông.

song-to-lich-2-1712403913.jpg
Nước sông Tô Lịch ô nhiễm rất nặng

Giáo sư Đặng Thị Kim Chi chia sẻ, phía Nhật Bản trước đây từng đề nghị xây hệ thống bổ sung các loại vi sinh để giảm bớt lượng bùn thải trên sông Tô Lịch. Hoạt động thử nghiệm cho thấy có kết quả, nhưng không hiểu vì sao lại không phát triển thêm.

Về việc cho nước sông Hồng vào pha loãng nước sông Tô Lịch, giáo sư Đặng Thị Kim Chi ví von: "Có bệnh thì phải tìm ra và điều trị đúng nguyên nhân gây bệnh, chứ không phải chỉ cho thuốc giảm đau".

Giáo sư Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông cho biết, đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch cũng là một giải pháp hữu hiệu. Hiện các họng nước thải dọc sông Tô Lịch đã bắt đầu không được đổ ra sông nữa.

Thành phố đang gom các nguồn nước thải trên vào một đường ống để dẫn xuống Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, nước sau xử lý ở Nhà máy nước thải Yên Xá sẽ không được trả lại sông Tô Lịch bởi nhà máy này nằm ở hạ nguồn sông. Từ đó dẫn tới việc dòng chảy sông Tô Lịch bị "chết". Điều này cũng có thể dẫn tới tình trạng nước sông bốc mùi hôi thối. Vì vậy vẫn phải có giải pháp đưa nước về sông Tô Lịch, đồng thời cứu nước thải bằng cách tập trung đưa vào Nhà máy xử lý Yên Xá.

Phúc Hưng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chuyen-gia-danh-gia-muon-cuu-song-to-lich-phai-ap-dung-cung-luc-nhieu-bien-phap-2340.html