Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng. Đồng thời đề xuất lộ trình và những khách hàng sẽ áp dụng cơ chế bán điện này.
Chiều 8/4, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đang báo cáo Bộ Công Thương để sớm thí điểm các cơ chế giá điện 2 thành phần trong năm nay, trước khi triển khai diện rộng từ 2025. Theo ông, việc áp dụng cơ chế này sẽ tạo sân chơi minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn cho tất cả các bên là nhà máy điện, doanh nghiệp và người dân… Việc này cũng giúp giá điện có thể tiến tới thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới.
Tại nước ta, hiện đang áp dụng giá điện 1 thành phần, tức tính theo lượng điện tiêu thụ trong tháng. Biểu giá này chỉ bù đắp chi phí biến đổi như tiền mua vật tư, nhiên liệu cho nhà máy phát điện. Còn giá 2 thành phần, ngoài tính theo điện năng tiêu thụ thì còn bổ sung thêm giá theo công suất. Đây sẽ là khoản bù đắp cho chi phí cố định (khấu hao, sửa chữa máy móc, nhân công...).
Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, giá điện 2 thành phần không phải là một đề xuất mới. Thực tế, vào năm 2013, Chính phủ đã yêu cầu áp dụng cơ chế này. Bộ Công Thương đã được giao chuẩn bị lộ trình áp dụng để Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức kiến nghị, nếu thay đổi thì gia đoạn đầu nên áp dụng cho điện sản xuất, chứ không phải điện sinh hoạt. Các khách hàng hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt sẽ ở giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, nên thí điểm thực hiện cơ chế thí điểm khách hàng mới ở vài nơi trong một khoảng thời gian, ghi nhận ý kiến phản hồi từ họ, chứ không nên áp dụng diện rộng ngay từ đầu. Bởi, dù chỉ thí điểm với khách hàng không dùng điện sinh hoạt thì cũng là thay đổi lớn, có thể ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng.
Giải thích về cơ chế giá điện 2 thành phần, ông Nguyễn Minh Đức cho hay, nó khá giống với giá cước điện thoại cố định. Nghĩa là, mỗi tháng đều phải trả tiền thuê bao cố định dù không nghe gọi, còn với điện chính là giá công suất. Đây là phần thứ nhất. Phần thứ hai được tính trên dung lượng nghe gọi, tương tự với điện là lượng điện năng tiêu thụ - giá điện năng.
Theo ông Đức, cơ chế này công bằng hơn bởi nó phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng. Ông lấy ví dụ, 1 nhà hàng và 1 nhà máy sử dụng sản lượng điện như nhau. Nhưng nhà máy hoạt động liên tục 24/24, điện năng tiêu thụ ổn định. Trong khi, nhà hàng chỉ sử dụng điện mạnh vào bữa trưa và bữa tối nên công suất cực đại của nhà hàng lớn hơn. Như vậy trạm biến áp, đường dây phải chuẩn bị công suất lớn hơn, chi phí lớn hơn.
Từ ví dụ trên, ông Đức đánh giá tác động đầu tiên của cơ chế giá điện 2 thành phần là giảm bù chéo giữa các khách hàng. Cơ chế này cũng tránh các khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng không dùng. Ví dụ, nhà máy đăng ký công suất lớn, yêu cầu điện lực chuẩn bị đường dây, trạm biến áp nhưng dự án chậm tiến độ, nhiều năm không tiêu thụ điện. "Chi phí đường dây, trạm biến áp trong những năm này bị lãng phí, lại tính cho các khách hàng khác", ông Đức nói. Nếu áp dụng cơ chế giá 2 thành phần, nhà máy đó hàng tháng không dùng điện cũng phải “đóng tiền thuê bao”.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá sẽ linh hoạt hơn do tách bạch được 2 thành phần, trong đó giá điện năng biến đổi lớn, còn chi phí đầu tư thay đổi chậm hơn.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-som-thuc-hien-thi-diem-gia-dien-2-thanh-phan-2396.html