Đề xuất cư dân bỏ phiếu chọn chủ đầu tư xây dựng lại chung cư

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc cải tạo chung cư cũ còn khó hơn xây nhà ở xã hội, Hiệp hội HoREA đã đề xuất cư dân bỏ phiếu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị một số nội dung góp ý cho Dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Cụ thể, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 Dự thảo Nghị định.

Theo đó, quy định việc lựa chọn chủ đầu tư xây lại chung cư cũ thông qua thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án trong trường hợp đáp ứng quy định tại khoản 11 Điều 60 của Luật Nhà ở. Đồng thời, phải được toàn bộ chủ sở hữu thống nhất tại hội nghị nhà chung cư.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung điểm mới quy định hội nghị nhà chung cư quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Quyết định về vấn đề này được thông qua theo nguyên tắc đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu và được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên chủ trì hội nghị và thư ký hội nghị nhà chung cư.

chung-cu99-1712946806.jpg
HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 Dự thảo Nghị định.

HoREA đưa ra lưu ý, trừ trường hợp thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phục vụ tái định cư tại chỗ theo phương án bồi thường, các trường hợp khác đều phải được toàn bộ chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất với chủ đầu tư dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, tại Điều 15 dự thảo Nghị định chỉ mới quy định "lựa chọn chủ đầu tư thông qua thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án" nhưng chưa quy định việc công nhận chủ đầu tư để thực hiện dự án đối với nhà đầu tư đã mua, nhận chuyển nhượng toàn bộ căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư gắn với quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư nên cần được bổ sung. 

Chủ tịch HoREA cũng đưa ra dẫn chứng như trường hợp điển hình như Công ty P đã thỏa thuận mua lại toàn bộ có 52 căn hộ tại khu chung cư cũ 4 tầng tại số 239 Cách mạng Tháng Tám (quận 3, TP.HCM) và sau đó công ty đã phá dỡ khu chung cư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản, nhà ở thương mại cao cấp tại đây.

chung-cu-899-1712946795.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng việc cải tạo chung cư cũ còn khó hơn xây nhà ở xã hội.

Ông Châu dự đoán trong tương lai phương thức xã hội hóa đầu tư này có thể sẽ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Doanh nghiệp sẽ thực hiện dự án kinh doanh bất động sản thông qua thỏa thuận mua lại toàn bộ căn hộ. Khi đó, chung cư cũ sẽ hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân, không có phần diện tích xây dựng thuộc sở hữu hay sự quản lý của Nhà nước.

Như vậy, các cư dân có quyền bán căn hộ thuộc sở hữu của mình còn nhà đầu tư có quyền mua theo quy định của pháp luật. Trong đó sẽ có trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận để cho cư dân chung cư được tái định cư tại chỗ hoặc tự lo ở địa điểm thích hợp khác.

Qua đó, đại diện HoREA kiến nghị cần bổ sung quy định công nhận chủ đầu tư dự án thông qua thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư đã mua, nhận chuyển nhượng toàn bộ căn hộ, diện tích khác của chung cư. Đối với trường hợp này thì nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở tại khoản 6 (mới) Điều 15 Dự thảo Nghị định.

Thiên Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-cu-dan-bo-phieu-chon-chu-dau-tu-xay-dung-lai-chung-cu-2499.html