TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay, thời điểm 2011-2013 thị trường diễn ra tình trạng khủng hoảng thừa. Nguồn hàng nhiều nhưng người dân không có tiền mua. Trong khi đó, hiện nay lại trái ngược khi cầu rất cao nhưng cung lại ít.
Ông Đính nhận thấy, điểm giống nhau giữa thị trường bây giờ và 10 năm trước đó là cơ cấu nguồn cung phù hợp với nhu cầu thì ít. Vì vậy, để giải bài toán này cần tìm nguồn hàng phù hợp với cầu, khả năng thanh toán. Bởi cầu nhiều mà cung không có sẽ khiến nhiều đối tượng lợi dụng đẩy giá lên cao.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, tại Hà Nội không có nguồn hàng mới, do đó, lượng chào bán chủ yếu hình thành trên thị trường thứ cấp (đã mua đi bán lại) chứ không phải sơ cấp (dự án mới bán lần đầu). Những người có hàng đang găm giữ, nhưng thấy nhu cầu cao họ lại đẩy giá lên mức chóng mặt.
Giá bất động sản có thể tăng theo giá trị đầu tư, phát triển đô thị, hạ tầng, chất lượng dịch vụ… Nhưng việc này phải tương thích với tỷ lệ đầu tư chứ không vượt được. Nhiều vùng không có hoạt động đầu tư thêm nhưng lại thành "chợ" với tình trạng rất “nóng và sốt”. Đặc biệt, bối cảnh thực tế thị trường chưa thoát được khó khăn về kinh tế.
TS Nguyễn Văn Đính cảnh báo đấy là những hiện tượng bất thường, những thị trường giả và ảo. Sự tấp nập nhưng người mua - bán không phải nhà đầu tư mà là những màn kịch để lôi kéo, cuốn hút khách nhẹ dạ, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm.
Do đó, câu chuyện tăng giá của Thủ đô trong thời gian gần đây và ở một số vùng được chuyên gia đánh giá, không phải thị trường thật. Mức giá cao chót vót nhưng không phản ánh thực trạng thật của thị trường. Dự án đầu tư bài bản, chất lượng tốt, phù hợp, uy tín, thương hiệu mới là thực chất. Từ đó, nhà đầu tư, khách hàng phải hết sức thận trọng khi dấn thân vào “cuộc chơi”.
Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Đính mong muốn chính quyền địa phương đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM sớm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy một số dự án có thể đưa được hàng ra thị trường, đặc biệt là nhóm nhà có giá phù hợp. Nếu làm được điều này thì nguồn cung sẽ tăng, thị trường đang "đói" hàng và tăng giá sẽ cân bằng.
Đặc biệt, cần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đồng đều trên cả nước theo đề án 1 triệu căn nhà loại hìnhnày. Đồng thời, các dự án vướng mắc về giá đất, tài chính phải đưa vào giải quyết triệt để. Đồng thời, Bộ Xây dựng khẩn trương hơn trong việc ban hành kế hoạch, nghị định đi đúng theo lộ trình vạch ra. Tất cả sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản đang còn vướng.
Phó chủ tịch (VNREA) cũng đánh giá những tác động mới từ chính sách. Ông cho rằng, những luật được thực thi trong giai đoạn tới sẽ giúp nhiều vấn đề khó trở thành dễ. Nhiều điểm nghẽn được giải quyết.
Như trong Luật Đất đai sẽ có những thông thoáng, phù hợp và giúp phát triển mạnh hơn. Chẳng hạn, trước đây không được mua đất nông nghiệp, dồn thừa diện tích để phát triển thì tới đây cho phép điều này.
Hay sau Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thi hành, có thể có đến vài trăm dự án được M&A (sáp nhập và mua lại). Luật lần này còn tạo ra sân chơi có tính sòng phẳng, công bằng. Bên cạnh đó, theo ông Đính, những quy định mới có hiệu lực sẽ thúc đẩy tốt hơn nhưng cũng khó hơn. Thị trường sẽ có tính chặt chẽ, công bằng, ổn định hơn.
Thanh Anh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thi-truong-tap-nap-nguoi-mua-ke-ban-la-nhung-man-kich-loi-leo-nha-dau-tu-nhe-da-2656.html