Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi vào ngân hàng là 13,4 triệu tỷ đồng, giảm 0,76% so đầu năm. Trước đó, cuối năm ngoái con số này là 13,5 triệu tỷ đồng. Cơ cấu tiền gửi giữa tổ chức và người dân 50-50.
Các chuyên gia cho rằng, lượng tiền gửi trong nền kinh tế giảm do dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán.
Chia sẻ tại tọa đàm "Nhận diện Kinh tế quý 1/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm" mới đây, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, riêng đối với vàng trong quý I giá đã tăng 23%. Vì vậy, một lượng tiền không nhỏ đã chảy vào tích trữ, đầu tư vàng. Bằng chứng là doanh số mua bán ở các công ty vàng trong nước tăng trưởng mạnh, như Công ty PNJ doanh số trên 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng; SJC doanh thu cũng trên 30.000 tỷ đồng…
Bàn về câu chuyện này, PGS.TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho biết, việc huy động vốn giảm trong quý đầu năm đến từ 3 yếu tố đó là: Lãi suất huy động mức thấp lịch sử; thị trường chứng khoán khởi sắc; bất động sản dần ấm lên.
Số liệu của Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng cho thấy, từ 8/2023 - 3/2024, lãi suất tiền gửi trung bình tại các ngân hàng thương mại trong nước liên tục giảm. Cụ thể, lãi suất huy động trung bình ở các kỳ hạn 1,3, 6 và 12 tháng tính đến ngày 29/3 lần lượt là 2,39%; 2,64%; 3,68% và 4,55%. Mức này thấp hơn từ 1,64 - 2,12 điểm phần trăm so với giữa tháng 8 năm ngoái.
Nói về dòng tiền chảy vào chứng khoán, ông Dũng cho hay, thị trường chứng khoán trong quý I ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Trong đó, VN-Index tăng 147,7 điểm, từ 1.136,39 điểm (ngày 2/1) lên mức 1.284,09 điểm (ngày 29/3), tương ứng mức tăng gần 13%.
Theo phân tích của Fiingroup (Công ty chuyên cung cấp thông tin tài chính), tỷ trọng dòng tiền phục hồi đối với ngành bất động sản là 21,5%, vượt trội so với ngân hàng (17,8%) và chứng khoán (15,5%).
Tiền đổ vào chứng khoán cũng tương đối nhiều, dòng tiền trong nước cân toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại. Ngoài ra, số lượng tài khoản mở mới cũng tăng (401.000 tài khoản), giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng/phiên.
Đối với thị trường địa ốc, theo báo cáo mới nhất của kênh Batdongsan, nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng mạnh trở lại. Các loại hình khác như nhà riêng có lượt tìm kiếm tăng 27%, nhà phố (15%), biệt thự (12%), đất nền (9%).
Bên cạnh đó, hàng loạt yếu tố tích cực như: Kiều hối 14 tỷ USD/năm, Luật Đất đai cho phép Việt kiều nắm giữ bất động sản, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đầu tư vào các dự án địa ốc… khiến lĩnh vực này hút một lượng tiền đáng kể của nền kinh tế.
Gần đây, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã có động thái quay đầu “nhích” tăng. Tính từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có khoảng chục ngân hàng tăng lãi tiền gửi, như: VietinBank, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, KienLongBank…
Ông Hòe nhận định, từ động thái trên của các nhà băng, tiền gửi từ nay tới cuối năm của ngân hàng cũng sẽ phục hồi. Vị chuyên gia dự báo, để kích thích dòng tiền, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi khoảng 0.5-0.8%/năm, còn lãi cho vay nhích nhẹ hơn do cầu tín dụng còn yếu.
Thanh Anh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ngan-hang-bot-thua-tien-do-kenh-dau-tu-khac-hap-dan-hon-2777.html