Đa số lao động tự do ở Việt Nam sở hữu tài sản ảo

Hiện có tới 85% lao động tự do sở hữu tài sản ảo, 35% chấp nhận thanh toán bằng tài sản ảo, trong khi đó có 57% lực lượng sử dụng tài sản ảo đang nằm trên thị trường tài chính Việt Nam.

Đa số lao động tự do ở Việt Nam sở hữu tài sản ảo

Trao đổi với Đô Thị Mới bên lề phiên thảo luận “Góp ý xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, nhà cung cấp tài sản ảo” tại Hội thảo “Blockchain & AI: Cuộc cách mạng tương lai” ngày 24/4, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, theo khảo sát của Hội đồng Đại Tây Dương trên 60 quốc gia, có 32/60 quốc gia coi tài sản ảo (VA), nhà cung cấp tài sản ảo (VASP), dịch vụ tài sản ảo là hợp pháp. Đồng thời, có 19 quốc gia cấm một phần và 8 quốc gia cấm toàn bộ đối với tài sản ảo.

Đồng thời, có tới 75% các quốc gia trên toàn cầu lúng túng trong việc xây dựng chính sách về tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo. Nhưng thực tế chỉ có 8 quốc gia cấm toàn bộ. Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới đây của Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số (sau Ấn Độ và Mỹ), với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.

tai-san-ao-1713966825.png
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (áo trắng) và luật sư Trần Quốc Bảo, Luật sư Điều hành hãng luật Pantheon tại hội thảo.

Cũng theo ông Phan Đức Trung, hiện nay nhiều lao động Việt làm việc cho các tổ chức quốc tế đang được trả lương bằng tài sản ảo. Cụ thể, số liệu của Triple-A (Singapore) về thị trường lao động freelancer Việt Nam (Lao động hành nghề tự do), cho thấy 85% lực lượng này sở hữu tài sản ảo, 35% chấp nhận thanh toán bằng tài sản ảo. Trong khi đó, 57% lực lượng lao động sử dụng tài sản ảo lại đang nằm trên thị trường tài chính Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư tài sản ảo chỉ “học mót” kiến thức qua mạng xã hội

Chia sẻ với Đô Thị Mới theo quan điểm cá nhân, ông Đỗ Việt Cường, Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế nhận định, rất nhiều quốc gia nhỏ, nhất là các quốc gia trong Danh sách Xám của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền) như Việt Nam, đều có nhận diện chưa đầy đủ, chưa kịp thời về tài sản ảo. Do đó, chúng ta chưa bắt kịp để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp và tiệm cận với quốc tế về tài sản ảo.

Đồng quan điểm với ông Cường, luật sư Trần Quốc Bảo, luật sư Điều hành hãng luật Pantheon cho rằng, VASP thường là những sàn giao dịch. VASP cung cấp các ví và dịch vụ chuyển tiền. Do đó, hoạt động của các VASP có tính tác động rất lớn đến nền kinh tế và an ninh quốc gia. Bởi lẽ, bên cạnh những hoạt động theo pháp lý, thì có một số cá nhân và tổ chức lợi dụng VASP để rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Dẫn chứng cụ thể, luật sư Bảo chỉ ra, hiện có tới 70% - 75% quốc gia trên thế giới chưa có khung quản lý hữu hiệu đối tài sản ảo và nhà cung cấp tài sản ảo. Riêng tại Việt Nam, chúng ta đang đối mặt với những khó khăn lớn, bởi lẽ tài sản ảo còn rất mới với nhiều người.

virtual-asset-service-providers-in-uae-1713966824.jpg
Nước ta chưa bắt kịp để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp và tiệm cận với quốc tế về tài sản ảo.

Dưới góc độ của VASP, ông Lê Hoài Nam, nhà sáng lập Hold Station cho rằng, tài sản ảo thúc đấy quá trình giao dịch và mua bán, từ đó đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp biết tận dụng công nghệ. Việc này giống như xu hướng mua bán hàng trên Tiktok, Shopee và các kênh thương mại điện tử, đã tạo nên một thế hệ người giàu mới nổi rất trẻ tuổi. Xu hướng này sẽ ngày càng trẻ hóa và sử dụng tài sản ảo nhiều hơn.

Theo ông Nam, đây là hiệu ứng hòn tuyết lăn và Việt Nam không thể ngăn cản xu hướng này. Nguyên nhân là do người Việt cũng giống như người Hàn Quốc, rất yêu thích công nghệ và những gì mới mẻ.

tai-san-ao45-1713966826.png
Chuyên gia và nhà đầu tư mong muốn Việt Nam hợp thức hóa tài sản ảo, trở thành nơi cung cấp dịch vụ và bảo vệ nhà đầu tư tài sản ảo thông qua khung pháp lý hoàn thiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư tài sản ảo không có trình độ hiểu biết, chỉ học kiến thức trên truyền thông, mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok rồi đưa ra quyết định đầu tư sai lầm. Do đó, dưới góc độ một VASP, ông Nam rất mong muốn Việt Nam hợp thức hóa tài sản ảo, trở thành nơi cung cấp dịch vụ và bảo vệ nhà đầu tư tài sản ảo, thông qua khung pháp lý hoàn thiện.

Tháng 6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám). Đồng thời, FATF đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với nước ta để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế.

Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết gửi Chủ tịch FATF thực hiện kế hoạch hành động do FATF khuyến nghị với thời gian thực hiện là trong 2 năm. Tại Hội thảo, các ý kiến đều chung nhận định, khi bị đưa vào Danh sách Xám, Việt Nam phải có hành động quyết liệt để triển khai hiệu quả.

 

Lâm Nhã

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/da-so-lao-dong-tu-do-o-viet-nam-so-huu-tai-san-ao-2801.html