Hơn 300 dự án giải ngân 0% và nhiều bất cập trong đầu tư công được hé lộ

Trong giai đoạn từ 2017-2022, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 53 cuộc kiểm toán các hoạt động đầu tư công, chỉ rõ những bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện các dự án.

Theo đó, các cuộc kiểm toán tập trung vào những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm, phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Điển hình như kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác lập, phân bổ vốn đầu tư chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội…

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ rõ nhiều bất cập như chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn hạn chế, dẫn đến tình trạng phải thay đổi tổ mức đầu tư, dự toán lại nhiều lần tại các dự án, ảnh hưởng đến công tác kế hoạch vốn, kéo dài thời gian thực hiện.

Ngoài ra, hầu hết các dự án đều phải điều chỉnh quy mô, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ còn xảy ra phổ biến ở nhiều dự án và có xu hướng gia tăng. Việc chậm tiến độ các công trình, dự án đã làm tăng chi phí và giảm hiệu quả của các dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án hạ tầng quan trọng.

da-tu-cong-1-1716005173.jpg
Tình trạng chậm tiến độ còn xảy ra phổ biến ở nhiều dự án và có xu hướng gia tăng

Cùng với đó, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế, tình trạng “vốn chờ dự án” vẫn còn. Nghĩa là, nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện giao vốn hàng năm nhưng các bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất bố trí vốn, dẫn đến không phân bổ được hết vốn.

Cũng theo KTNN, sau các cuộc thanh tra còn thấy rõ vẫn còn tình trạng dàn trải, manh mún, bố trí vốn chưa đúng tiêu chí, chưa ưu tiên những dự án có khối lượng lớn, quan trọng, cấp bách tại một số bộ, ngành , địa phương.

Trước tình trạng này, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng bao gồm thu hồi nộp ngân sách Nhà nước, giảm thanh toán và xử lý khác; đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót; phát hiện nhiều sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và cơ quan nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công...

Mới đây, Bộ Tài chính đã công khai danh sách hơn 300 dự án tại 48 địa phương giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay. Theo Bộ Tài chính, kế hoạch vốn ngân sách trung ương do địa phương quản lý năm nay là 82.243 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến hết ngày 31/3, các dự án mới giải ngân được 8.634 tỷ, đạt 10,5% kế hoạch. Mức này thấp hơn bình quân giải ngân của cả nước (12,2%). Đến cuối tháng 4, có 316 dự án, tiểu dự án tại 48 địa phương chưa giải ngân được đồng nào (tức 0%) so với kế hoạch.

Trong danh sách này, Hà Nội có 2 dự án, tổng vốn giao 4.640 tỷ đồng; Lâm Đồng có 6 dự án với tổng giá trị trên 1.000 tỉ đồng, riêng dự án tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) chiếm 800 tỷ đồng; Đồng Nai có 2 dựa án với tổng giá trị 740 tỉ đồng; Điện Biên có 105 dự án (hơn 340 tỷ đồng); Sơn La 22 dự án (gần 260 tỷ); Hòa Bình 18 dự án (hơn 260 tỷ) và Quảng Bình 13 dự án (gần 75 tỷ đồng).

da-tu-cong-1716005270.jpg
Để đạt mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên 95%, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 

Qua công tác kiểm tra, Bộ Tài chính khẳng định nguyên nhân chậm giải ngân do một số địa phương chưa nghiêm túc trong việc thực hiện ví dụ vẫn còn một số địa phương phân bổ không đúng nguyên tắc tiêu chí, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch trung hạn…

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính ước tính đạt gần 116.000 tỷ đồng, đạt hơn 16% tổng kế hoạch và đạt hơn 17% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong khi đó, năm 2024, Thủ tướng giao gần 663.807 tỉ đồng vốn công cho các địa phương và đặt mục tiêu giải ngân 95% số này.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương có giải pháp tăng giải ngân từ ngân sách trung ương, địa phương và vốn bổ sung ngoài kế hoạch. Chủ đầu tư, các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, thủ tục dự án chưa và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước, rà soát và chuyển vốn ở những dự án không có khả năng hoạc chậm giải ngân sang nơi tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí vốn ngân sách.
 

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lo-nhieu-bat-cap-trong-dau-tu-cong-sau-kiem-toan-3402.html