Bùng nổ sàn thương mại điện tử: Cân nhắc bỏ miễn VAT với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Do đó, cần cân nhắc bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng nhập khẩu này.

Chiều ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội về dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý là thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện đang được áp dụng chưa đúng, chưa đủ các nhóm hàng hóa.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định quà biếu, tặng, tài sản di chuyển, hàng biên mậu trong định mức miễn thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu VAT.

Hiện nay, dù không được quy định trong luật nhưng trên thực tế, việc miễn VAT gắn với miễn thuế nhập khẩu cũng đang được thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh tại Quyết định số 78/2010.

giao-hang-1718616444.jpg
Hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok

Trước đây, do số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian qua, với sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok…

Dẫn số liệu của Tổng Công ty CP Bưu chính viễn thông, ông Mạnh cho biết, tính đến thời điểm tháng 3/2023, với giá trị mỗi đơn hàng nói trên được chia nhỏ từ 100.000-300.000 đồng, tổng giá trị giao dịch hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok hàng ngày đạt khoảng 45-63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 – 1,9 tỉ USD.

Cũng theo ông Mạnh, nhiều nước đã bỏ quy định miễn VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa trong nước và nhập khẩu. Do vậy, cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách như hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, khi mua 1 gói tăm, 1 hộp bút ở siêu thị đều có VAT là 5%, 10%, tại sao qua TMĐT lại được miễn? Giữa thương mại truyền thống và TMĐT cần bình đẳng như nhau, có doanh thu là phải nộp thuế.

thuong-mai-dien-tu-1718616383.jpg
Tổng giá trị giao dịch hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok đạt khoảng 1,3 -1 ,9 tỉ USD/tháng

Tương tự, ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Phó trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và TMĐT trường Đại học Thương mại (Hà Nội) cho rằng, những đơn hàng xuyên biên giới có giá dưới 1 triệu đồng thường sẽ được vận chuyển dưới dạng quà tặng, quà biếu nên không bị áp VAT.

Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT từ nước ngoài sẽ có lợi thế về thuế, trong khi doanh nghiệp sẽ lép vế hơn do phải nộp thuế đầy đủ cùng nhiều chi phí khác.

Liên quan đến vấn đề quản lý hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT trong bối cảnh có nhiều đề xuất thu VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, ông Nguyễn Quang Hùng – đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, Bộ tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định, qua đó đề xuất miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống, đồng thời phải nộp VAT.

Hiện Chính phủ cũng đang yêu cầu các bộ ngành liên quan phối hợp đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực về việc thu VAT đối với hàng hóa có giá trị dưới 2 triệu khi nhập khẩu qua TMĐT. Với một lĩnh vực phát triển như TMĐT nếu không nghiên cứu, thu thập kinh nghiệm của các nước để ứng xử, sẽ gây thất thu thuế.
 

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/can-nhac-bo-quy-dinh-mien-vat-voi-hang-hoa-nhap-khau-gia-tri-nho-4202.html