Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) - tổ chức giám sát hệ thống công nhận bằng sáng chế giữa các quốc gia, AI tạo ra văn bản, hình ảnh, mã máy tính và thậm chí cả âm nhạc đang có xu hướng bùng nổ với hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp trong thập kỷ qua. Đáng lưu ý, 1/4 trong số đó được nộp trong năm 2023.
"Đây (AI) là một lĩnh vực đang bùng nổ và phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. Cũng là nơi mà chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa", Christopher Harrison, Giám đốc Phân tích Sáng chế của WIPO cho biết.
Cũng trong báo cáo được phát đi, cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về trí tuệ nhân tạo khi có tới hơn 38.000 bằng sáng chế được cấp từ năm 2014 đến năm 2023. Các đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc bao gồm nhiều lĩnh vực từ xe tự lái đến xuất bản và quản lý tài liệu.
WIPO cho biết, con số này cao gấp 6 lần so với số lượng đơn do các nhà phát minh có trụ sở tại Mỹ nộp. Tiếp sau Trung Quốc, Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với 6.276 bằng sáng chế được cấp, Hàn Quốc đạt 4.155 bằng sáng chế, Nhật Bản đạt 3.409 bằng sáng chế. Tuy chỉ xếp thứ 5 với 1.350 bằng sáng chế nhưng Ấn Độ lại đang có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Bằng sáng chế dành cho AI tạo sinh hiện chiếm 6% tổng số bằng sáng chế AI trên thế giới. “Sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động cấp bằng sáng chế phản ánh những tiến bộ công nghệ gần đây và tiềm năng của GenAI.
Thống kê, trong số 10 tổ chức được cấp bằng sáng chế nhiều nhất, ngoài các doanh nghiệp Trung Quốc, chỉ có IBM, Alphabet, Microsoft của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc…
Cụ thể: Tencent đứng đầu với 2.074 bằng, Ping An Insurance 2.564 bằng, Baidu với 1.234 bằng, Viện Hàn Lâm khoa học Trung Quốc đạt 607 bằng, Alibaba Group đạt 571 bằng, Bytedance đạt 418 bằng. Trong khi đó, số lượng bằng sáng chế được cấp của IBM đạt 601 bằng, Alphabet đạt 443 bằng, Microsoft đạt 377 bằng, Samsung đạt 468 bằng.
Như vậy, không chỉ nhiều về số lượng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp, tổ chức của Trung Quốc cũng đang có số lượng bằng sáng chế nhiều áp đảo hơn so với của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cũng theo báo cáo của Liên hợp quốc, dữ liệu hình ảnh và video chiếm ưu thế trong các bằng sáng chế Gen AI với 17.996 phát minh, tiếp theo là văn bản (13.494 phát minh) và giọng nói hoặc âm nhạc (13.480 phát minh).
Bằng cách phân tích xu hướng và dữ liệu cấp bằng sáng chế, cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, họ muốn giúp các nhà hoạch định chính sách ”định hình sự phát triển của GenAI vì lợi ích chung của chúng ta”.
Với những nỗ lực không ngừng thời gian qua, Trung Quốc đã tìm cách bắt kịp OpenAI và các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ là Microsoft, Alphabet, Google và Amazon trong việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Hiện, có tới hơn 200 LLM với quy mô khác nhau đã đi vào hoạt động tại nước này, làm cơ sở cho các sản phẩm, dịch vụ, phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo được triển khai. Năm ngoái, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bao gồm Alibaba và Baidu đã cho ra mắt chương trình LLM của riêng mình để thách thức các đối tác ở Mỹ.
Vào tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã đưa ra “kế hoạch hành động” kéo dài ba năm nhằm tăng cường các tiêu chuẩn về chip AI, AI tạo sinh và xây dựng sức mạnh điện toán quốc gia, nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ và kinh tế.
Wei Sun, cố vấn cấp cao về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Counterpoint Research chia sẻg: “Trung Quốc có một thị trường rộng lớn chưa được khai thác dành cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, đối tác trong ngành để đổi mới và hỗ trợ đưa công nghệ AI tạo sinh vào các ứng dụng hoặc ngành công nghiệp khác nhau, bằng cách sử dụng các tập dữ liệu chuyên biệt khác nhau. Đó là chìa khóa để giành thắng lợi, vượt qua những thành tựu của Mỹ về AI trong năm nay”.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/trung-quoc-ap-dao-my-han-quoc-nhat-ban-de-dan-dau-cuoc-dua-bang-sang-che-cho-ai-tao-sinh-4649.html