Mới đây, Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai đã tiếp nhận bệnh nhân P.T.C. (62 tuổi, trú tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) trong tình trạng bị sốc phản vệ. Dù đã tận tình cấp cứu, tuy nhiên bệnh nhân đã không thể qua khỏi.
Người nhà cho biết, trước khi được đưa đi cấp cứu, bà bà P.T.C. thấy người mệt mỏi nên đã gọi điện thoại cho bà L.T.H.P. (Phó trưởng Trạm Y tế phường Lào Cai) đến truyền dịch tại nhà. Trong quá trình truyền dịch, bà P.T.C. bất ngờ có biểu hiện sốc phản vệ. Bà P. đã tiêm thuốc chống sốc, rồi đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai.
Trước đó, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. HCM) cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ trong tình trạng nguy kịch liên quan tới nhiễm trùng và sốc phản vệ do truyền dịch tại nhà. May mắn, bệnh nhân này đã được cấp cứu kịp thời và qua được cơn nguy hiểm.
Trên đây không phải là những trường hợp đầu tiên gặp biến chứng nghiêm trọng do truyền dịch tại nhà. Các chuyên gia y tế đã không ít lần cảnh báo về tình trạng này. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn có suy nghĩ “không phải mình”, “chưa đến mình thì chưa sợ” nên các ca cấp cứu do truyền dịch tại nhà vẫn diễn ra.
Bác sĩ Bùi Văn Dân - Trưởng khoa miễn dịch và da liễu Bệnh viện E cho biết, truyền dịch là biện pháp đưa dịch trực tiếp vào lòng mạch. Biện pháp này đưa các chất dinh dưỡng, nước, điện giải vào cơ thể một cách nhanh nhất. Truyền dịch thường chỉ định để điều trị một số bệnh lý như mất nước điện giải nặng, cần đưa thuốc vào cơ thể, truyền máu, chế phẩm máu, các chất dinh dưỡng, vitamin trong trường hợp suy dinh dưỡng hoặc thiếu dưỡng chất.
Theo bác sĩ Dân, khi chúng ta đưa thuốc, chất dinh dưỡng, điện giải vào trong lòng mạch thì ngay lập tức tình trạng bệnh sẽ được cải thiện. Nó đặc biệt hữu ích trong những trường hợp bù nước, điện giải cho bệnh nhân mất nước nặng. Bởi nếu bổ sung theo đường tiêu hóa, sau khi ăn uống cần có thời gian để hấp thu vào cơ.
Mặc dù truyền dịch được coi là biện pháp hiệu quả nhưng vẫn có thể xảy ra một số tác dụng phụ như vỡ mạch máu khiến chảy máu ở vết kim truyền, tạo ra những vết bầm tím vị trí xung quanh chọc. Một số trường hợp có thể gây ra phù nề ở vùng lân cận khi dịch thoát ra bên ngoài. Thậm chí, có thể gây viêm mạch máu ở một số trường hợp.
Đáng nói nhất, truyền dịch cũng có nguy cơ biến chứng như tụ máu, sưng nề lan tỏa dưới da hình thành nên cục máu đông gây viêm mô lan tỏa hoặc hoại tử da, dị ứng liên quan đến các chất dịch, thuốc đưa vào cơ thể. Nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong do sốc phản vệ.
Nhiều chuyên gia y tế cho hay, để đảm bảo an toàn, khi thực hiện truyền dịch cần tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc sau: Dịch truyền và dụng cụ sử dụng phải được vô khuẩn hoàn toàn. Phải bảo đảm bảo tuyệt đối không cho không khí lọt vào tĩnh mạch. Luôn đảm bảo dịch truyền cao hơn áp lực máu của người bệnh. Điều chỉnh tốc độ chảy của dịch truyền theo đúng y lệnh.
Với một số loại thuốc, nhân viên y tế cần phải thử phản ứng trước khi pha dịch truyền. Sát khuẩn để bảo đảm vị trí tiếp xúc giữa da và kim được vô khuẩn. Không để lưu kim tại một vị trí quá 24 giờ. Trong suốt quá trình trước, trong và sau khi truyền dịch, nhân viên y tế cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân nhằm phát hiện sớm các phản ứng bất thường.
Khi truyền dịch tại nhà, các nguyên tắc trên có thể không được đảm bảo, nhất là khi người thực hiện không đủ chuyên môn. Điều này có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người dân tuyệt đối không nên truyền dịch tại nhà mà cần đến cơ sở y tế, phải được sự chỉ định của bác sĩ và cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị, có thể xử lý kịp thời các biến chứng. Đặc biệt là nguy cơ dị ứng và sốc phản vệ.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tu-vong-do-truyen-dich-tai-nha-chu-quan-vi-suy-nghi-khong-phai-minh-4902.html