Khuyến nghị không đốt vàng mã để tránh lãng phí và ảnh hưởng môi trường

Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ, lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này. Việc đốt nhiều vàng mã không chỉ tốn kém mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Mới đây, Trưởng lão hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ấn ký ban hành thông bạch về việc tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2568 - dương lịch 2024.

Theo đó, thời gian tổ chức đại lễ vào các ngày trong tháng 7 âm lịch tại các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Riêng chính lễ sẽ được tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch (tức ngày 18/8/2024).

dot-vang-ma-1-1721208184.jpg
Chính lễ Vu Lan năm nay vào ngày 18/8 dương lịch

Các hoạt động chính gồm tổ chức đại lễ cầu siêu, thắp nến tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang; thuyết giảng ý nghĩa Vu lan báo hiếu; tụng kinh Vu lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A di đà… cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ; nghi thức bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; chương trình nghệ thuật công cha nghĩa mẹ (nếu có)…

Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu ý trong khâu tổ chức, tránh thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống. Không đốt vàng mã, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy.

Giáo hội khuyến khích mọi người thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực, giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ. Thông bạch cũng đề nghị các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố quán triệt nội dung này đến các cơ sở tự viện và toàn thể tăng ni, Phật tử.

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này. Việc đốt nhiều vàng mã không chỉ tốn kém mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến cáo không đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo.

dot-vang-ma-1721208183.jpg
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị không đốt vàng mã dịp lễ Vu Lan

Lý giải cụ thể hơn, Hòa thượng Thích Gia Quang cho hay, lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mà làm việc hiếu nghĩa.

Bên cạnh đó, với tinh thần Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, lễ Vu Lan hàng năm còn là ngày tri ân, báo ân tới những người có công với đất nước, đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Do đó, điều cốt lõi trong dịp Vu Lan là cần có tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh…

Đạo hiếu Vu Lan theo tinh thần Phật giáo chân chính, chính tín là biết lo cho dân tộc, đất nước, cho những người xung quanh, có lòng vị tha, biết quan tâm chăm sóc nhau. Nếu không làm việc thiện, sống không có tâm thiện thì dù là mâm cao cỗ đầy hay đốt nhiều tiền vàng cũng vô ích, không phải là chí hiếu.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-khuyen-nghi-khong-dot-vang-ma-tranh-lang-phi-va-anh-huong-moi-truong-4994.html