Giá vàng miếng tăng "sốc": Chuyên gia kiến nghị điều chỉnh khi thế giới tăng thêm 50 USD/oune

Giới chuyên gia về vàng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng giá vàng miếng SJC lên hơn 3 triệu đồng/lượng có phần “hơi sốc”. Nên xem xét việc tăng giá vàng miếng SJC khi vàng thế giới biến động tăng khoảng 40 - 50 USD/ounce.

Kết phiên giao dịch ngày 19/7, giá vàng nhẫn được Công ty SJC được niêm yết ở mức 75,9 – 77,4 triệu đồng/lượng 2 chiều mua vào bán ra, giảm 200.000 đồng/lượng so với 18/7. Tại Doji, giá vàng nhẫn cũng ghi nhận giảm 500.000 đồng/lượng xuống 76,1 – 77,35 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra); Bảo Tín Minh Châu niêm yết mức 76,08-77,38 triệu đồng/lượng; PNJ niêm yết 76 – 77,39 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 400.000 đồng.

Diễn biến này phù hợp bởi giá vàng thế giới đã giảm xuống mức 2.400 USD/ounce, giảm 80 USD/ounce, giá vàng thế giới quy đổi tương đương 73,66 triệu đồng/lượng.

Không nên tăng sốc

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC sau hơn 1 tháng “bất động” ở mức giá 76,98 triệu đồng/lượng, đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng hơn 3 triệu đồng lên mức 80 triệu đồng/lượng vào ngày 18/7. Mức giá này vẫn duy trì đến hết phiên 19/7.

Động thái điều chỉnh giá của NHNN đã khiến giá vàng miếng SJC lấy lại “vị thế” cao hơn giá vàng nhẫn cùng thương hiệu khoảng 2,5 triệu đồng/lượng, thay vì ngang giá như nhiều ngày trước, thậm chí có những thời điểm thấp hơn vàng nhẫn.

Nói về diễn biến của giá vàng trong 2 ngày gần đây, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VAGT) cho biết, giá vàng thế giới tăng khiến giá vàng trong nước không thể “đứng im” bởi NHNN không thể bán hàng dưới ra vốn, còn nhiều loại chi phí khác đi kèm.

gia-vang-1721416346.jpg
Mức tăng hơn 3 triệu đồng/lượng của vàng miếng “hơi sốc” nhưng vẫn hợp lý

Về mức tăng hơn 3 triệu đồng/lượng, ông Khánh cho rằng đây là mức “hơi sốc” nhưng vẫn hợp lý. Sau khi tăng giá, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Đồng quan điểm, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng nhìn nhận, mức tăng giá hơn 3 triệu đồng/lượng là “hơi bất ngờ, hơi sốc nhưng vẫn hợp lý”. Bởi lẽ, biện pháp ổn định thị trường của NHNN là hướng đến mục tiêu kéo giải chênh lệch giữa trong nước và thế giới, chứ không neo giá vàng SJC ở mức thấp. Do đó, giá vàng thế giới tăng thì bắt buộc vàng SJC phải đi theo.

“NHNN phải căn cứ vào tình hình giá vàng thế giới để điều chỉnh giá vàng SJC sao cho hợp lý. Giả sử trong thời gian tới, giá vàng thế giới sụt giảm, NHNN cũng có thể điều chỉnh giá vàng trong nước và ngược lại”, ông Trần Duy Phương nhận định.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cho biết thêm, sau khi giá vàng thế giới tăng liên tiếp trong khoảng 10 ngày qua từ mức giá hơn 2.300 USD/ounce lên gần 2.450 USD/ounce (ngày 18/7), tương đương mức tăng thêm khoảng 150 USD/ounce, NHNN mới thiết lập mức tăng thêm hơn 3 triệu đồng/lượng khiến gây ra tình trạng “hơi sốc”.

Theo đó, NHNN nên điều chỉnh cách tăng theo chiều hướng từ từ, tránh điều chỉnh quá nhiều gây hoang mang trên thị trường, có thể xem xét tăng giá vàng miếng SJC khi giá vàng thế giới biến động tăng khoảng 40-50 USD/ounce. Chẳng hạn, khi giá vàng thế giới tăng giá vài ngày mà không có xu hướng giảm thì NHNN tiến hành điều chỉnh giá vàng SJC, trong trường hợp giảm cũng tiến hành tương tự.

Cần sự ổn định lâu dài

Trong hàng thập kỷ qua, để ổn định thị trường vàng, NHNN đã duy trì Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, để thị trường sực sự ổn định về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn luôn tái khẳng định cần khẩn trương sửa đổi Nghị định này để loại bỏ những bất cập.

"Cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 để bỏ độc quyền vàng miếng SJC và độc quyền nhập khẩu vàng, cho phép các đơn vị kinh doanh vàng khác được nhập khẩu vàng", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Trong trường hợp, NHNN muốn giữ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC thì cần phải cung ứng đủ nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hiếm như hiện tại.

mua-ban-vang-1721416423.jpg
Cần tuyên truyền để người dân hiểu được không nên tích trữ vàng

Hiện, để tăng cường tính ổn định cho thị trường, cơ quan chức năng đã bắt buộc các đơn vị kinh doanh xuất hóa đơn điện tử. Đây được xem là biện pháp cần thiết và cần được kiểm sotas chặt chẽ nhằm quản lý hiệu quả các giao dịch mua bán vàng, từ đó tạo tiền đề cho việc hạn chế vàng nhập lậu. 

Trong thời gian tới, cần tăng cường phối hợp giữa NHNN với Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương để kiểm soát ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng. Đồng thời, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi nhập lậu vàng, hành vi mua, bán vàng trái pháp luật.

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên cao cấp Đại học kinh tế TP.HCM cho biết, trong lịch sử thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp các ngân hàng trung ương thực hiện nhiều biện pháp, thậm chí cực đoan như cấm người dân sở hữu vàng vật chất, từ đó loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông.

Tuy nhiên, tích trữ vàng được xem như một thói quen khó bỏ của người dân Việt Nam, do đó, cơ quan quản lý cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tuyên truyền cho người dân hiểu rằng không nên tích trữ vàng mà cần chuyển hướng đầu tư vào các thị trường như chứng khoán, bất động sản…sẽ tốt hơn.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/gia-vang-mieng-sjc-gay-soc-kien-nghi-dieu-chinh-khi-the-gioi-tang-them-50-usdoune-5051.html